"Người ngồi ngắm hoàng hôn" bằng đôi mắt nhân vị
Văn hóa - Ngày đăng : 19:50, 30/08/2022
“Người ngồi ngắm hoàng hôn” , NXB Hội Nhà văn Hà Nội, quý 2/2022 là tập thơ thứ ba của nhà thơ Trần Thị Ngọc Mai, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Tập thơ có 45 bài, chủ đề đa dạng, từ tình cảm với người thân, quê hương Hà Tĩnh và đất nước nói chung.
Tên tập thơ cũng là tên một bài trong tập, rất gợi, dễ tạo ra chiều sâu cảm xúc. Hoàng hôn, có nghĩa là một ngày sắp qua. Theo quy luật của vũ trụ thì ngày mai sẽ đến. “Hoàng hôn” của một người đàn bà nói riêng thì sao? Chắc chắn vừa có viên mãn, vừa có tiếc nuối. Đời người cũng sắp qua.
“Người ngồi ngắm hoàng hôn / Vệt nắng cuối ngày vuốt ve mái tóc / Trên con đê chạy vào ký ức / Bàn chân miên di cỏ non”. Khổ đầu của bài thơ cho biết địa điểm là con đê, thời gian là hoàng hôn, nơi người đàn bà tự sự với lòng mình. Cũng có thể địa điểm và thời gian ấy buộc người đàn bà phải tự sự. Hiện thực đó, dễ được người đọc suy đoán. Tuy nhiên, có một hiện thực khác, ảo hơn, “ký ức” của người đàn bà. Có thể có bàn chân “miên di cỏ non” ở triền đê; nhưng ở đây là sự tiếc nuối thời tuổi trẻ, quá vãng của mình, bất định. “Miên di” trong Hán – Việt tương đối nhiều nghĩa, nhưng trong hoàn cảnh này rất khó gọi là “vỗ cánh” / di.
...
Người đàn bà ngồi ngắm hoàng hôn
Xòe tay đếm vui, buồn, được, mất
Giọt nước mắt lọt kẽ tay chạm đất
Chạm vào rất thật nỗi đau
Rõ là “bất định”, nỗi buồn không chỉ làm rơi nước mắt mà còn gây sang chấn, thức tỉnh trắc ẩn đến vạn vật, ngay cả hoàng hôn. Chả thế mà, “Người đàn bà cúi đầu / Hoàng hôn ngắm người đàn bà rung rức”. “Người đàn bà cúi đầu” giàu tính tự sự, là một bài thơ khá trong tập. Nó cũng gợi ra một suy nghĩ với người đọc: “tại sao tác giả xếp ở vị trí cuối cùng của tập thơ?”. Bài thơ được tác giả trao cho một “sứ mệnh”.
Dù nhiều đề tài, nhưng trên hết, trước hết “Người ngồi ngắm hoàng hôn” đó là tập thơ viết về phụ nữ. “Người đàn bà tuổi bốn mươi”, “Dấu buông”, “Rỗng”, “Em và thời gian”, “Tiếng lòng”, “Bến yêu”, “Nụ hôn tội lỗi”, “Chọn”...là những lát cắt về thế giới nội tâm phụ nữ, là tiếng nói nữ quyền, khát khao, chờ đợi. Hay nói cách khác “Người ngồi ngắm hoàng hôn”, thơm nhân vị của thế giới đàn bà.
Tình yêu là điều mà tất cả chúng ta đều khao khát, nhưng không phải bất cứ ai cũng biết cách yêu sao cho đúng và được nhận về tình yêu xứng đáng với những gì chờ đợi, trao trút. Chính vì thế, từ cổ chí kim các nhà thơ, nhà văn viết mãi về tình yêu vẫn không thể “giải mã” hết cung bậc, màu sắc. Hạnh phúc là ước mơ chính đáng của bất cứ con người nào, nhưng không phải ai cũng có hạnh phúc đầy đủ. Hạnh phúc luôn được chờ đợi, nhưng càng mong ngóng càng thấy chậm đến. Hạnh phúc thường bò như ốc như sên, nỗi buồn thường đến như điên như dại là vì thế. Nỗi buồn ai chờ đợi đâu.
Trong “Người ngồi ngắm hoàng hôn” có hình bóng “em” của chờ đợi, kiếm tìm “bờ môi khát vọng”. Điều đó đâu dễ có? Vậy nên, “Dấu vào đêm / Tiếng thở dài vật vã / Đêm lặng im”, (Dấu vào đêm). Cuộc đời vốn không công bằng. Vì thế mà tôn giáo luôn tồn tại cùng con người, làm thiên chức cứu rỗi.
Nhà LLPB văn học Hoàng Thụy Anh từng lý giải hình ảnh “đêm” trong thơ: “Bóng tối thường là nơi trú ngụ của những tâm hồn cần dưỡng khí, ràng rịt vết thương lòng. Vì thế, đêm được xem là không gian tâm trạng, là nơi chốn người nghệ sĩ đối diện với bóng với vách để bộc bạch hay chất vấn chính mình”. Trong “Người ngồi ngắm hoàng hôn”, Trần Thị Ngọc Mai không chỉ “Dấu mình vào đêm” mà “đêm” còn là thi ảnh trong nhiều bài thơ khác, chị “Chọn đêm để thức”, (Tiếng rao đêm) hoặc “Ta chơi hoài đêm đêm”, (Con lật đật).
Nhà LLPB Đỗ Ngọc Yên, trong tựa: “Có những người đàn bà như thế” có nhận định “Người ngồi ngắm hoàng hôn” là tập thơ tình. Hẳn nhiên là như vậy, nhưng “thơ tình” trong “Người ngồi ngắm hoàng hôn” có biên độ rộng hơn, từ gia đình đến quê hương.
Thơ là người. Đọc “Người ngồi ngắm hoàng hôn” nhận ra một Trần Thị Ngọc Mai hiếu nghĩa với cha mẹ, trân quý tình cảm cội nguồn, cố thổ . Dành cho song thân chị có “Giấc mơ cha”, “Thư gửi ba”, “Đón ba về Tết”, “Bỗng gặp mẹ”, “Con dắt tay cha đến trường”, chiếm 11% số bài trong tập. Với quê hương, chị có “Về Hà Tĩnh”, “Nợ một đằm sâu”. Cũng xin nói rằng, trong những bài thơ viết về song thân có hình bóng quê hương. Hay nói cách khác, cha mẹ, quê hương lồng vào nhau trong mạch cảm xúc.
Hà Tĩnh là “quê thơ”, đất của thi ca và âm nhạc. Nhà thơ các thế hệ sinh ra ở Hà Tĩnh khá nhiều, viết về Hà Tĩnh càng lắm. Nói thế để thấy rằng, sáng tác thơ về Hà Tĩnh cho “đọng” lại với thời gian không dễ. Tuy nhiên, trong bài “Về Hà Tĩnh”, Trần Thị Ngọc Mai có những cảm xúc riêng, câu thơ đẹp:
...
Giớ trưa từ tay mẹ
Mát dịu tình thủy chung
...
Mẹ đan từng sợi nắng
Tấm áo choàng thời gian
“Mẹ” ở đây là quê hương, nghĩa nặng tình sâu, bao dung và chở che. Đọc bài thơ này của Trần Thị Ngọc Mai, hẳn bên tai ai cũng thấy ngân nga giai điệu của bài hát “Mời anh về Hà Tĩnh” đã được những ca sỹ hàng đầu như NSND. Thu Hiền, NSUT. Tố Nga thể hiện thành công. “Em thấy người Hà Tĩnh vẫn trọn tình như xưa”. Dẫu vạn vật đã thay đổi, nhưng người Hà Tĩnh vẫn thủy chung, son sắt, nghĩa tình. Đó cũng là một đề tài còn có giá trị khai thác lâu dài của thi ca.
Trong “Người ngồi ngắm hoàng hôn”, chủ đạo vẫn là thi pháp tự do. Tuy nhiên, Trần Thị Ngọc Mai vẫn không quên “truyền thống”, dù khi sử dụng thể thơ “sáu, tám” chị đã có ý thức biến thể về hình thức, chú ý ngắt câu. Điều này chưa nói lên điều gì, chỉ minh họa một “xu hướng”. Điều căn cốt phải là “hồn” lục bát.
Trong nhiều bài thơ lục bát của chị, có những câu thơ khá mới, rất thơ. Lao động thơ là lao động ngôn ngữ. Trách nhiệm của mỗi người viết là sáng tạo thi ảnh. Trần Thị Ngọc Mai ý thức được bổn phận nhà thơ.
...
Mẹ ru mùa cải trổ ngồng
Cùng phiêu nốt bổng ấm đông mùa về
Bữa cơm giòn vị cà quê
Ngoài hiên tí tách bùa mê rơi thềm
(Ký ức)
Dĩ nhiên, bên cạnh những bài thơ khá, câu thơ hay là nên “đơn vị câu”, vẫn còn những câu thơ “chưa chín”. Hạn chế trong tác phẩm là thường tình, nhất là với những nhà thơ trẻ, bước chân vào “con đường thơ” còn phải bền bỉ, không sợ “mỏi gối chồn chân”.
Tôi nhất trí với nhà LLPB Đỗ Ngọc Yên khi ông đánh giá: “Người ngồi ngắm hoàng hôn” của Trần Thị Ngọc Mai phong phú về ý tưởng, chủ đề, đa dạng về cấu tứ và cách thức tổ chức bài thơ, mượt mà về giọng điệu, chịu khó tìm tòi đổi mới ngôn ngữ thơ”. Thực tế, đó là tập thơ đa thanh, đa sắc nhân vị, nhất là nhân vị đàn bà./.