Tăng cường hợp tác giao thương ngành logistics giữa Việt Nam - Campuchia

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:45, 31/08/2022

Ngày 29 - 30/8, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức thành công sự kiện Business Matching & Logistics Talk Forum giữa các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam và Campuchia. Sự kiện đã mang đến nhiều cơ hội hợp tác giao thương cho doanh nghiệp của hai quốc gia, đặc biệt là trong hoạt động vận tải xuyên biên giới sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
vn-campuchia-4(4).jpg
Sự kiện đã mang đến nhiều cơ hội hợp tác giao thương cho doanh nghiệp của hai quốc gia

Phát biểu tại sự kiện, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội VLA đã bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp đoàn đại biểu và doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Logistics Campuchia (CLA). Ông Khoa cho biết, đây là lần thứ hai VLA tổ chức chương trình tọa đàm trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước (kể từ năm 2018). Điều này cho thấy mối quan hệ hợp tác kinh doanh logistics giữa VLA và CLA, cũng như giữa các thành viên trong AFFA ngày càng phát triển tốt đẹp.

Thay mặt Hiệp hội VLA, ông Khoa khẳng định: “VLA đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ với CLA trong việc phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của kinh doanh thương mại hai nước”.

vn-campuchia6.jpg
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội VLA đã bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp đoàn đại biểu và doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Logistics Campuchia (CLA).

Ông Sin Chanthy, Chủ tịch Hiệp hội CLA đánh giá, VLA là đối tác rất tốt để hợp tác kinh doanh với các thành viên của CLA trong lĩnh vực hậu cần, logistics. Ông hy vọng trong thời gian tới, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các khó khăn vướng mắc về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa ở khu vực biên giới được giải quyết sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao thương giữa 2 nước.

vn-campuchia7.jpg
Ông Sin Chanthy, Chủ tịch Hiệp hội CLA đánh giá, VLA là đối tác rất tốt để hợp tác kinh doanh với các thành viên của CLA trong lĩnh vực hậu cần, logistics.

Trao đổi về tiềm năng hợp tác giữa 2 quốc gia, các doanh nghiệp của VLA và CLA cùng nhìn nhận, Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới dài 1.255km, kéo dài qua nhiều tỉnh thành của hai nước. Biên giới này nằm ở phía Đông Campuchia và Tây Nam của Việt Nam. Giao thương qua biên giới có thể thực hiện bằng xe tải theo đường bộ và cũng có thể vận tải bằng phương tiện thủy dọc theo sông Mê kông. Việt Nam và Campuchia cũng đã ký một số hiệp định quan trọng để tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của thương mại xuyên biên giới như: Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới 6 nước Tiểu vùng Mekong, các Hiệp định song phương, biên bản ghi nhớ về đường cao tốc… Hoạt động vận tải qua biên giới được xem là huyết mạch trong hợp tác kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong việc khôi phục kinh tế - xã hội, giúp khắc phục sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng giữa hai quốc gia cũng như toàn khu vực.

vn-campuchia-2.jpg
Tòan cảnh sự kiện Business Matching & Logistics Talk Forum

Trước đó, ngày 17/8, Hiệp hội VLA cũng đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Campuchia. Hoạt động được thực hiện dựa trên đề xuất từ Tổng cục Logistics, Bộ Giao thông Campuchia gửi Bộ Công Thương Việt Nam và các đơn vị liên quan. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến ngành dịch vụ Logistics Việt Nam với các góc nhìn từ doanh nghiệp, công tác đào tạo trực tuyến và các vấn đề liên quan đến vận tải qua biên giới qua cửa khẩu quốc tế BaVet - Campchia và cửa khẩu Mộc Bài - Việt Nam.

vn-campuchia5(2).jpg
Đoàn đại biểu hai nước tham dự sự kiện chụp ảnh lưu niệm

Hiệp hội VLA với tầm nhìn, sứ mệnh “Kết nối chuyên nghiệp logistics”, thời gian qua, Hiệp hội luôn nỗ lực gắn kết, mở rộng cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp hội viên, không chỉ trong nước mà còn vươn tầm khu vực và quốc tế. Hoạt động tích cực của VLA không chỉ tạo thuận lợi cho Hội viên trong giao thương quốc tế mà còn ngày càng khẳng định vị thế của Việt Nam trong hoạt động của ngành dịch vụ logistics trên toàn thế giới.

Hồng Út