Tình hình ảm đạm của kinh tế toàn cầu

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 17:32, 02/09/2022

Theo một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện, đại đa số các nhà kinh tế được hỏi đều nhận thấy, lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao trong ít nhất một năm nữa. Khoảng 39% các nhà kinh tế được hỏi nói rằng, lạm phát sẽ ở mức cao trong năm 2023.

Các dự báo về triển vọng kinh tế thế giới năm 2022 dường như đã giảm một nửa. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nhiều khả năng toàn cầu sẽ sớm rơi vào một cuộc đại suy thoái đồng bộ.

Con ngựa “bất kham” của kinh tế

Lạm phát như "con ngựa bất kham", ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ gia tăng của giá cả sinh hoạt đã vượt qua biên độ tăng lương, sức mua hộ gia đình ngày càng suy yếu, gieo mầm mống cho lạm phát đình trệ.

lam-phat-toan-cau-sap-dat-dinh(1).jpg
Người mua sắm bên trong một cửa hàng tạp hóa ở San Francisco, California, Mỹ

Mỹ là khu vực bị thiệt hại nặng nề, nhưng châu Âu thậm chí chịu tổn thất nghiêm trọng hơn. Cuộc xung đột Ukraine thúc đẩy giá năng lượng leo thang và khủng hoảng thiếu nguồn cung, cơ chế phong tỏa do dịch bệnh liên tục gây rối loạn đối với nền kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn thiếu hụt nguồn cung hàng hóa và lao động kéo dài liên miên, hệ lụy là kỳ vọng đầu tư và tiêu dùng suy yếu.

Làn sóng lạm phát và nguy cơ suy thoái này chủ yếu là do nguồn cung thiếu hụt gây nên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thừa nhận kiểm soát được nhu cầu nhưng không kiểm soát được nguồn cung. Do cung không thể đáp ứng cầu, nên siêu lạm phát toàn cầu vẫn hết sức bất thường, kinh tế thế giới rất khó tránh khỏi suy thoái.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng đóng vai trò cứu tinh kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình cảnh "lo trong buồn ngoài".

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II/2022 chỉ đạt 0,4%, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc sâu vào sự thúc đẩy của nhu cầu bên ngoài đã mất đi điểm tựa, vòng tuần hoàn bên trong suy yếu, các quả bom tài chính, cơn bão bất động sản xảy ra dồn dập và kinh tế suy giảm đồng thời xuất hiện đã khiến Trung Quốc rơi vào tình cảnh khó khăn nhất trong 30 năm qua.

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ đã tiệm cận mức 20% hiện nay có thể sẽ diễn biến trầm trọng hơn. Thất nghiệp và thu nhập ảnh hưởng đến tiêu dùng, trong bối cảnh kỳ vọng việc làm và thu nhập không tốt, thị trường tiêu dùng trong nước chắc chắn sẽ bị kìm hãm nghiêm trọng.

Nếu khủng hoảng kép xuất hiện, nhu cầu bên trong và bên ngoài đều "hôn mê sâu", triển vọng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục ảm đạm cùng với suy thoái kinh tế thế giới.

Dự báo xấu cho kinh tế toàn cầu

4462.jpg
Cuộc xung đột Ukraine đã làm trầm trọng thêm nút thắt chuỗi cung ứng

Sau khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ, Mỹ thúc đẩy châu Âu, Nhật Bản… áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế dẫn đến hiệu ứng ngược, gây nên tổn hại nghiêm trọng đối với kinh tế châu Âu, đặc biệt các nước châu Âu phụ thuộc mạnh vào Nga về năng lượng hứng chịu cú sốc mạnh hơn.

Do tình hình kinh tế chuyển biến tiêu cực, cán cân thương mại xấu đi rõ nét, các nước công nghiệp chủ yếu của châu Âu như Đức, Anh, Pháp, Italy… đều rơi vào tình cảnh thâm hụt thương mại nới rộng.

Hiện nay, tai họa của "lạm phát đình trệ" đã không thể kiểm soát, Mỹ dường như đã bất lực, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, kinh tế châu Âu và Nhật Bản "không khỏe", kinh tế toàn cầu dường như không nhìn thấy cứu tinh kinh tế.

Hơn nữa, khi đối diện với khủng hoảng kép, lạm phát toàn cầu và nợ ở mức cao khiến cho những nhà hoạch định chính sách của các nước e ngại, không dám tiếp tục áp dụng thêm nhiều biện pháp để kích thích nhu cầu, dư địa giải cứu thị trường giảm mạnh. Những nhân tố này kết hợp với nhau chính là hiện tượng phổ quát của suy thoái kinh tế.

Trong khi đó, cuộc xung đột Ukraine đã làm trầm trọng thêm nút thắt chuỗi cung ứng và giá năng lượng leo thang, vấn đề cản trở hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và xói mòn lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục kéo dài trong một thời gian.

Trên thị trường tiêu dùng, lạm phát cao đã làm suy yếu nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng của các nền kinh tế chủ chốt phần lớn phản ánh xu hướng lao dốc.

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)