Khủng hoảng lương thực toàn cầu và hy vọng mới

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 21:06, 05/09/2022

Thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng với giá cả tăng vọt và hàng triệu người có nguy cơ thiếu ăn nghiêm trọng giữa lúc cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa nguồn cung các lương thực cơ bản, như lúa mì, ngô...
16-chot-1647353320691713627832.jpg
Nạn đói còn hoành hành nhiều nơi trên thế giới (Trong ảnh: Một người làm bánh mì ở El-Kalubia (Ai Cập); nguồn: REUTERS)

Dự báo “bi quan” của IMF

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất công bố ngày 26/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định giá lương thực toàn cầu đã ổn định trong những tháng gần đây, song vẫn ở mức cao hơn nhiều so với năm 2021.

Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát giá lương thực toàn cầu - đặc biệt là giá ngũ cốc, là cuộc xung đột ở Ukraine. Các hạn chế xuất khẩu ở một số quốc gia đã làm tăng giá lương thực toàn cầu bất chấp một số hạn chế này gần đây đã hết hiệu lực. Các quốc gia có thu nhập thấp, nơi lương thực chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tiêu dùng, đang cảm nhận rõ nhất tác động của tình trạng lạm phát này.

Các quốc gia có chế độ ăn nghiêng về các mặt hàng có mức tăng giá lớn nhất (đặc biệt là lúa mỳ và ngô), phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu lương thực và có tỷ lệ chuyển dịch lớn từ giá lương thực toàn cầu đến địa phương đang gặp khó khăn nhiều nhất. Các quốc gia thu nhập thấp mà người dân vốn bị suy dinh dưỡng cấp tính cũng như tử vong nhiều trước chiến tranh, đặc biệt là ở khu vực cận Sahara châu Phi, đã phải chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng.

Do năng lượng và thực phẩm là những mặt hàng thiết yếu có ít sản phẩm thay thế nên giá cả tăng cao đã gây khó khăn rất lớn đối với các hộ gia đình. Khi giá của các mặt hàng khác tăng lên như đồ điện tử, đồ nội thất, các gia đình có thể chỉ cần giảm hoặc thậm chí loại bỏ việc chi tiêu. Đối với thực phẩm, sưởi ấm và vận chuyển - thường là thiết yếu để kiếm sống, lại khó hơn nhiều. Hậu quả là tình hình hiện nay không chỉ đe dọa đến kinh tế mà còn cả ổn định xã hội.

Theo IMF, tình trạng bất ổn gia tăng kể từ khi kết thúc giai đoạn bùng phát mạnh nhất của đại dịch và giá lương thực, năng lượng tăng cao chính là những yếu tố đưa tới dự báo khả năng bất ổn có thể xảy ra. Mặc dù tình trạng bất ổn có thể sẽ nhất thiết diễn ra nhưng mối liên hệ giữa giá cả và sự ổn định xã hội cho thấy rằng những rào cản đối với thương mại, mùa màng kém do nắng nóng khắc nghiệt và thiếu phân bón có nguy cơ gây thêm khó khăn, đói kém và bất ổn.

Những rủi ro này có thể được giải quyết phần nào thông qua nới lỏng các rào cản logistics do căng thẳng Nga-Ukraine, bao gồm cả việc phong tỏa Biển Đen.

Hy vọng từ ngũ cốc Ucraina

Kiev cho biết ngày 4/9, 13 tàu đã rời các cảng của Ukraine mang theo 282.500 tấn nông sản vượt Biển Đen tới thị trường 8 nước. Đây là số tàu chở ngũ cốc xuất khẩu lớn nhất rời cảng trong 1 ngày sau khi Ukraine ký thỏa thuận về ngũ cốc với Nga, ngày 22/7 với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

ttxvn_tau_ngu_coc.jpg
Ngày 14/8/2022, tàu chở 23.000 tấn ngũ cốc của Ukraine đã cập cảng tại Djibouti nhằm cung cấp cho khoảng 22 triệu người đang đứng trước nguy cơ thiếu ăn ở Sừng châu Phi (Ảnh của AFP/TTXVN)

Số hàng xuất khẩu nói trên được chất lên tại các cảng Odessa, Chornomorsk và Pivdennyi. Đây là những cảng từng bị Nga phong tỏa hoàn toàn đến khi Kiev và Moscow đạt thỏa thuận nói trên.

Theo thông báo trên Facebook của Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine, từ đó đến nay, 86 tàu đã khởi hành từ các cảng Ukraine, mang theo 2 triệu tấn nông sản xuất khẩu sang 19 nước.

Ukraine đặt mục tiêu xuất khẩu 60 triệu tấn ngũ cốc trong 8/9 tháng tới. Tuy nhiên, Kiev cũng cảnh báo thời gian thực hiện mục tiêu này này có thể kéo dài đến 2 năm nếu các cảng không được vận hành tốt.

Trước đó, số liệu của Bộ Nông nghiệp Ukraine công bố cuối ngày 22/8 (theo giờ địa phương) cho thấy, xuất khẩu các mặt hàng lương thực chủ chốt của nước này so với cùng kỳ năm 2021 đã giảm gần một nửa từ khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga bắt đầu hồi tháng 2/2022.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết số người đang đối mặt tình trạng thiếu ăn đã tăng lên 44 triệu, so với mức 27 triệu hồi năm 2019

Thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng với giá cả tăng vọt và hàng triệu người có nguy cơ thiếu ăn nghiêm trọng giữa lúc cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa nguồn cung các lương thực cơ bản, như lúa mì, ngô... Ông Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), nói với trang The Guardian (Anh) rằng giá lương thực đã ở mức cao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hy vọng “khủng hoảng” địa chính trị Nga – Ucraina sơm chấm dứt./.

Ngô Đức Hành (tổng hợp)