Cam Lâm (Khánh Hòa) sẽ trở thành đô thị sân bay tầm quốc tế của Việt Nam
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 07:44, 08/09/2022
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1052/QĐ-TTg ngày 7/9/2022 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.
Theo Quyết định, khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm với tổng diện tích khoảng 54.719,4 ha thuộc 14 đơn vị hành chính của huyện Cam Lâm bao gồm thị trấn Cam Đức, xã Cam Hải Tây, xã Cam Thành Bắc, xã Cam Hải Đông, Cam Hoà, Suối Tân, Cam Tân, Sơn Tân, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Phước Tây và Suối Cát.
Mục tiêu quy hoạch nhằm hình thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế. Cam Lâm trở thành đô thị hạt nhân vùng, cùng với thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, Khu kinh tế Vân Phong tạo thành một tổng thể hài hoà giữa giá trị truyền thống nội tại và tương lai, góp phần định hình một đô thị tầm cỡ quốc tế và thu hút công dân toàn cầu.
Trong đó, phát triển đô thị sân bay kết hợp trung tâm tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu để chuyển giao, áp dụng các xu hướng phát triển tương lai như AI, năng lượng xanh... Xây dựng trung tâm khoa học công nghệ tầm quốc tế và định hướng phát triển các cơ sở giáo dục và y tế mang tầm quốc tế, quốc gia tại huyện Cam Lâm; kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics cùng với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Phát triển đô thị thông minh - sinh thái - bền vững, kết hợp với hệ sinh thái đầm Thủy Triều, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, vùng vịnh Nha Trang - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Phát triển khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thành Khu du lịch quốc gia. Tạo dựng hệ sinh thái đa dạng các loại hình du lịch, thương mại cùng với các tiện ích đô thị, giá trị cảnh quan ven biển, các hoạt động du lịch thương mại, chiến lược marketing toàn cầu nhằm thu hút cư dân đa quốc gia đến định cư, làm việc, học tập và lưu trú du khách quốc tế.
Phát triển đô thị mới Cam Lâm với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; đô thị thông minh, sinh thái, bền vững góp phần quan trọng đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc trung ương trong giai đoạn đến năm 2030; phát triển đô thị mới Cam Lâm trở thành đô thị quan trọng về quốc phòng, an ninh; góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho quốc gia.
Việc lập quy hoạch làm cơ sở để triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư xây dựng trong quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm theo quy định và là công cụ pháp lý để tỉnh Khánh Hoà và chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển theo quy hoạch được duyệt.
Dự báo dân số của đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 khoảng 770.000 người; trong đó dân số thường trú khoảng 520.000 người, dân số quy đổi khoảng 250.000 người.
UBND tỉnh Khánh Hòa được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức lập đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 22/2/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa có ký quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất huyện Cam Lâm đến năm 2030.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, đất thương mại dịch vụ ở huyện Cam Lâm tăng mạnh từ 623 ha lên 1.815ha (tăng 1.192ha); đất ở nông thôn tăng gần 600ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng hơn 400ha; đất phát triển hạ tầng cũng tăng gần 1.400ha trong đó đất giao thông tăng hơn 1.155ha.
Huyện Cam Lâm có tổng diện tích đất tự nhiên gần 55.000ha. Trong đó, đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm giảm sâu lần lượt giảm hơn 1.200ha và 1.561ha; đất phi nông nghiệp tăng mạnh từ 6.254ha lên 11.141ha (tăng 4.887ha) chiếm 20,35% diện tích toàn huyện.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, mục tiêu lập quy hoạch trên nhằm phát triển khu vực này thành đô thị theo mô hình đô thị sân bay kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái có quy mô dân số tương đương đô thị loại I. UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc lập quy hoạch trên để làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; đồng thời đề xuất bổ sung vào quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt thời gian tới.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, huyện Cam Lâm định hướng quy hoạch thị trấn Cam Đức, khu vực Bãi Dài và khu vực phía đông đầm Thủy Triều trở thành đô thị du lịch. Trong đó, đô thị Cam Đức là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện; trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp phía nam tỉnh Khánh Hòa. Phấn đấu đến năm 2030, thị trấn Cam Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa định hướng huyện Cam Lâm tương lai sẽ phát triển thương mại dịch vụ hiện đại tại khu vực bắc bán đảo Cam Ranh để phục vụ giao dịch, mua sắm và phát triển du lịch; xây dựng chợ đầu mối Cam Hải Tây thành trung tâm mua bán, trao đổi và phát triển luồng hàng; triển khai xây dựng 3 trung tâm thương mại cụm xã là Cam Tân - Cam Hòa, Cam An Nam, Cam Hải Tây.