Nông sản Việt Nam và triết lý: Đầu vào quả na, đầu ra quả bưởi

Nông nghiệp - Ngày đăng : 16:33, 08/09/2022

Làm sao để người nông dân không bỏ ruộng, sản xuất nông nghiệp có lời, “ly nông” nhưng không phải “ly hương”, tránh được những hệ lụy như từng xảy ra như giai đoạn 4 của đại dịch Covid-19 mà ai cũng đã từng biết?

Làm sao để người nông dân không bỏ ruộng, sản xuất nông nghiệp có lời, “ly nông” nhưng không phải “ly hương”, tránh được những hệ lụy như từng xảy ra như giai đoạn 4 của đại dịch Covid-19 mà ai cũng đã từng biết? Đây là câu hỏi của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chứ không phải chỉ riêng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Càng không phải chỉ riêng người nông dân đơn độc tìm câu trả lời.

vegetable-farmer-market-counter-compressed.jpg

Cha ông ta, từ lao động đã sáng tạo nên nhiều di sản tinh thần vô giá, trong đó có kho tàng ca dao tục ngữ. Tuy chỉ là dạng văn vần, cho dễ thuộc, dễ nhớ, truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác, những câu ca dao, tục ngữ nông nghiệp đã có những nhận xét, đúc kết xác đáng và đã được khoa học ngày nay kiểm nghiệm tính đúng đắn.

Văn vần (ca dao, tục ngữ) cũng là một thành tố của văn hóa dân gian nói chung, văn học dân gian nói riêng, dần dần hình thành nên thể thơ “bản sắc Việt” – đó là thể thơ lục bát như mọi người đã biết. Tuy nhiên, không dễ biến lục bát thành ca dao, tục ngữ.

Tôi có một người bạn vong niên, đó chính là tiến sỹ kinh tế Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Ông chính là một trong những người xây dựng đề án ngân hàng thương mại cổ phần những năm đầu đổi mới; “tác phẩm” trên hiện thực của đề án này là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam – ngân hàng cổ phần đầu tiên ra đời những năm sau đất nước đổi mới không lâu (năm 1991).

Trước lúc về hưu, bất ngờ ông xuất bản tác phẩm “Ngẫu hứng trong kinh tế”, NXB Khoa học Kỹ thuật năm 2003. Điều thú vị là ông kiến giải các kiến thức kinh tế hiện đại trên tất cả các lĩnh vực, qua góc nhìn của tiền nhân để lại, đó là ca dao tục ngữ. Ví dụ, về chuỗi giá trị (ngành kinh tế Logistics) được ông ngẫm từ câu: “Buôn có bạn, bán có phường”; về lợi nhuận kinh doanh, ông ngẫm qua câu: “Buôn thúng bán mẹt”... “Đầu vào quả na, đầu ra quả bưởi”...

Người Việt, xuất phát điểm là làm nông, coi trọng nghề nông, cơ bản là nông dân; cư dân sống ở nông thôn là chủ yếu. Khi làm ăn cần trao đổi nông sản, họ mới theo sông, theo biển gặp gỡ nhau mà hình thành nên đất “kẻ chợ”. Đó cũng là nơi xuất phát điểm của các đô thị hiện nay. Vì là đất nước của nông nghiệp, nông thôn, nông dân nên dần dần hình thành nên “văn hóa lúa nước”, minh triết (văn minh) coi nông nghiệp là gốc của mọi thứ trong xã hội, “canh nông vi bản” và ca dao, tục ngữ chính là một phần của văn hiến (thư tịch). Nói tóm lại, từ nông nghiệp, cha ông ta đã xây dựng nên cả văn hiến, văn hóa, văn minh.

colorful-tomatoes-vegetables-fruits-are-growing-indoor-farm-vertical-farm-compressed.jpg

Ngày nay, dù tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhưng nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn là chủ yếu. Nông nghiệp không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn (yên dân), mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để hiện thực hóa khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ một quốc gia có nền nông nghiệp còn chưa phát triển. Trong 2 năm 2020 - 2021, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ bị đình đốn thì sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển, vẫn đảm bảo ổn định an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản. Với vị trí như vậy nên tại Hội nghị Trung ương 5 diễn ra đầu tháng 5/2022, Đảng ta xác định “Nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế”.

Tất nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục gặp nhiều thách thức, cả bên ngoài và bên trong.

cabbage-plantations-sunset-light-growing-organic-vegetables-eco-friendly-products-compressed.jpg

Nếu như nói bên ngoài, thì đó là những áp lực cạnh tranh, áp lực địa chính trị quốc tế mang đến. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ năm 2018 và các biến động địa chính trị khác, từ cuối tháng 02/2022 đến nay là chiến tranh giữa Nga và Ucraina. Tất cả đã tạo ra áp lực đối với các tập đoàn đa quốc gia trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng. Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã cho thấy những rủi ro của việc các nước phụ thuộc vào một nguồn cung, và các chuỗi cung ứng được tổ chức quá dàn trải, làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu dễ bị đứt gãy, tổn thương.

Với các ngành kinh tế dựa vào tài nguyên như nông nghiệp thì “thượng nguồn” của chuỗi cung ứng chính là các tài nguyên đầu vào như nước và đất đai. Biến đổi khí hậu đã tạo ra thách thức vô cùng to lớn đối với việc sử dụng tài nguyên nước và tài nguyên đất. Sẽ ra sao nếu đất đai ở “vựa lúa” đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn? Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang là một ví dụ cho thấy tác hại nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và các thách thức chính trị quốc tế đến an ninh chuỗi cung ứng trong ngành nông nghiệp.

Quá trình toàn cầu hóa làm nẩy sinh nhiều xung đột thương mại, tiêu chuẩn thị trường luôn thay đổi; đồng thời, các yêu cầu mới về môi trường, lao động, chất lượng nông sản luôn xuất hiện. Tất cả những điều đó tất yếu dẫn đến cạnh tranh thị trường ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Bên trong thì sao? Quá nhiều vấn đề phải “đau đầu”. Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua có đóng góp của nhiều “điểm sáng” nhưng chủ yếu vẫn mang tính quảng canh, dựa trên thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, lấy sản lượng, năng suất là chính, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa, và bảo vệ môi trường, dù thời kỳ “đói khát” đã qua từ lâu. Hơn nữa, nông nghiệp lại chưa gắn với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, tương trợ cùng nhau phát triển. Số lượng các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt trong quá trìnhhội nhập cho ngành còn ít. Vì vậy, nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu ổn định, mà thực tế
“được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản” hết cây này sang con khác, hết năm này qua năm khác...

Ngô Đức Hành