Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: Sửa đổi dự án Luật giao dịch điện tử

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 17:43, 12/09/2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 805/CĐ-TTg ngày 11/9/2022 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác xây dựng pháp luật; hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Luật Giao dịch điện tử (2005) là một trong các luật sửa đổi

luat-giao-dich-dien-tu-cho-hoa-don-dien-tu(1).jpg
Luật Giao dịch điện tử (2005) là một trong các luật sửa đổi. Ảnh: Internet.

Theo Công văn này, việc chuẩn bị và trình các dự án Luật tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV; Thủ tướng yêu cầu:

- Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan liên quan để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, gồm: dự án Luật đất đai (sửa đổi), dự án Luật đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật giá (sửa đổi), dự án Luật phòng thủ dân sự, dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp) và các dự án Luật khác (nếu có).

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan liên quan, nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, gồm: dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

- Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện các dự án Luật sau khi được cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo.

- Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chủ động theo dõi, đôn đốc quá trình hoàn thiện các dự án Luật, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng được Thủ tướng Chính phủ giao; theo dõi nội dung các dự án Luật, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh.

- Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 là các dự án Luật quan trọng, có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi rộng, tác động lớn, được dư luận Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm, do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì các dự án Luật này và các bộ, cơ quan liên quan hết sức quan tâm, chỉ đạo việc hoàn thiện các dự án Luật, bảo đảm gửi hồ sơ dự án Luật đúng quy định; chủ động trao đổi, làm việc với các cơ quan của Quốc hội để tạo sự đồng thuận; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh, bảo đảm đúng Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo này và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.

Hạn chế của Luật Giao dịch điện tử 2005

Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2006. Luật GDĐT được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử.

luat-giao-dich-dien-tu.png
Luật Giao dịch điện tử 2005 đã bộc lộ quá nhiều bất cập so với cuộc sống. Ảnh: Internet

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật GDĐT và các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thúc đẩy GDĐT, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính. Mặc dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Luật GDĐT 2005 vẫn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế.


 Tuy nhiên, Luật GDĐT 2005 bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế:


Thứ nhất
, Luật GDĐT năm 2005 là Luật khung, được ban hành sớm, sau khi có Luật mẫu của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL). Nội dung cơ bản bám theo Luật mẫu của Liên Hợp Quốc nên còn mang tính khung và mang tính nguyên tắc chung. Luật mẫu của Liên Hợp Quốc có xu hướng viết cho các nước đã phát triển, nơi có hệ thống, pháp luật và văn hoá khá khác biệt với Việt Nam. Vì vậy, khi áp dụng vào Việt Nam thì nảy sinh một số bất cập khó thực thi trong thực tế, đặc biệt là đối với vấn đề đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.

Thứ hai
, do là Luật khung, mang tính nguyên tắc, nên trong 15 năm qua chỉ có một số lĩnh vực chịu áp lực lớn của hội nhập quốc tế, có nhu cầu cấp thiết tự thân, tiên phong nghiên cứu xây dựng các văn bản dưới luật quy định chi tiết để thực thi và ứng dụng mạnh mẽ giao dịch điện tử, điển hình như lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (chữ ký số), Ngân hàng (thanh toán điện tử), Tài chính (giao dịch chứng khoán, hoá đơn điện tử, thuế điện tử, hải quan điện tử) và Thương mại điện tử. Với nhiều lĩnh vực khác, việc áp dụng giao dịch điện tử vẫn khó khăn do thiếu các quy định cụ thể của Luật GDĐT 2005. Hơn nữa, Luật GDĐT 2005 còn loại trừ không áp dụng cho khá nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống, kinh tế và xã hội.

Thứ ba
, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo thể chế pháp luật phải theo kịp sự phát triển.

Thứ tư,
việc sửa đổi Luật GDĐT (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước; tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Do đó, việc xây dựng dự án Luật GDĐT (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua là rất cần thiết, nhằm hiện thực hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật GDĐT 2005, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, xã hội số, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Ngô Đức Hành