Vụ lừa đảo gần 1000 tỷ đồng và cách phòng tránh đơn giản, khả thi
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:57, 13/09/2022
Tóm tắt sự việc
Theo thông tin từ ương vụ Việt Nam tại Ý, ngày 8/3/2022, Thương vụ nhận được công văn của một hiệp hội hạt điều là có gần 10 công ty xuất khẩu của Việt Nam đã xuất đi 100 container cho nhóm công ty lừa đảo Ý trị giá gần nghìn tỷ đồng, đây là một vụ lừa đảo quy mô lớn chưa từng xảy ra. Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã gửi Công hàm tới các cơ quan hữu quan để thông báo vụ việc lừa đảo lớn này và phối hợp hỗ trợ. Thương vụ cũng ngay lập tức triển khai hướng dẫn những việc cần làm về hồ sơ gốc, chi tiết tên, địa điểm người đã nhận, đề nghị hiệp hội và doanh nghiệp làm việc để Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Tòa Kinh tế TP HCM ra phán quyết khẩn cấp yêu cầu các hãng tàu tạm dừng việc giao hàng đã đến cảng Ý cho người có chứng từ gốc.
Cho đến nay, quyền sở hữu trên thực tế đối với toàn bộ các container hạt điều của một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nghi bị lừa đảo tại Ý đã được trả lại cho các doanh nghiệp Việt Nam, báo chí đã đưa nhiều thông tin, vụ việc này đang dần được khép lại. Là một trong số những diễn giả trình bày một phần vụ việc này trên Đài VTV1 ngày 19/3/2022 và tư vấn cho cho một số doanh nghiệp về phòng tránh rủi ro trong thanh toán tiền hàng, người viết xin đề xuất ý kiến dưới đây để bạn đọc tham khảo.
Thực tế nghiệp vụ đã làm trong vụ việc này (dẫn đến bị lừa đảo)
Phương thức thanh toán là “Nhờ thu kèm chứng từ” (D/P - Documentary against Payment), hiểu đơn giản là, sau khi giao hàng cho người mua thông qua người vận chuyển (tàu biển), người bán nộp bộ chứng từ trong đó có một bộ vận đơn gốc duy nhất là loại vận đơn đích danh (ghi rõ tên người nhận hàng là người mua) do hãng tàu cấp để ngân hàng bên bán chuyển cho ngân hàng bên mua, nhờ ngân hàng này thu tiền hàng trước khi giao bộ chứng từ cho người mua (người nhận hàng). Theo điểm a khoản 2 Điều 159 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 (“Bộ luật hàng hải”) thì vận đơn “Ghi rõ tên người nhận hàng, gọi là vận đơn đích danh”. Theo khoản 3 Điều 162 Bộ luật hàng hải, “... Người có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp”. Hãng tàu/người vận chuyển phải trả hàng cho người nhận hàng có vận đơn hợp lệ được nêu tại Điều 166 (Nghĩa vụ trả hàng) của Bộ luật hàng hải như sau: “Khi tàu biển đến cảng trả hàng, người vận chuyển có nghĩa vụ trả hàng cho người nhận hàng hợp pháp nếu có vận đơn gốc...”. Do đó, người mua hàng có quyền nhận hàng vì là người có tên trên vận đơn đích danh.
Ngân hàng bên mua thông báo rằng không có vận đơn gốc trong bộ chứng từ mà ngân hàng này nhận được. Chưa biết bằng cách nào mà người mua hàng chưa trả tiền hàng mà có vận đơn đích danh nộp cho hãng tàu để yêu cầu nhận hàng. Như vậy, với loại vận đơn đích danh và chỉ có duy nhất một bộ vận đơn này, trong trường hợp việc chuyển phát bộ chứng từ từ ngân hàng Việt Nam tới ngân hàng nhờ thu ở nước ngoài có sai sót, thất lạc, đánh tráo, đánh cắp hay bằng cách nào đó mà người mua hàng có được vận đơn gốc thì rủi ro cao là không được thanh toán và mất hàng.
Cách làm để tránh rủi ro mà vẫn khả thi
Ngoài những vấn đề cần lưu ý như điều tra thương nhân, lựa chọn ngân hàng tin cậy có trụ sở tại nước nhập khẩu, chế ngự “lòng tham”, có tiền đặt cọc phòng khi người mua không thanh toán như trường hợp này để giảm thiệt hại..., người viết chỉ nêu nghiệp vụ có thể thực hiện dễ dàng, đơn giản dưới đây mà ngay cả những người mua “khó tính” cũng không thể không chấp nhận vì nếu từ chối thì sẽ lộ rõ những ý định “có vấn đề” ngay từ đầu. Đó là dùng “vận đơn theo lệnh”, hoặc “vận đơn đích” danh thông qua đại lý của người giao nhận.
Trong trường hợp người mua yêu cầu chỉ dùng một bộ vận đơn do hãng tàu cấp (ký phát) thì nên sử dụng vận đơn theo lệnh (to order bill of lading) và ở phần “Người nhận hàng (Consignee)” nêu trên vận đơn, ghi là “theo lệnh của ngân hàng”. Ngân hàng này là ngân hàng mà người bán nhờ thu tiền và giao chứng từ cho người mua. Người bán sẽ chỉ thị cho ngân hàng này khi nhận được tiền hàng của người mua thì ký (endorse) trên vận đơn và ghi rõ là chuyển quyền nhận hàng cho họ, ví dụ như: “Yêu cầu giao hàng cho Công ty ABC” (người mua) (Please deliver to ABC Company”). Với cách làm này, người mua không thể cho rằng có thể gây ra chậm trễ cho họ trong việc nhận hàng vì họ chỉ cần trả tiền hàng là sẽ có vận đơn để nhận hàng và nếu vận đơn có bị thất lạc khi gửi đến ngân hàng thì người nhận hàng cũng không nhận được hàng vì vận đơn không hợp lệ (chưa có ký chuyển quyền nhận hàng của ngân hàng) nên hãng tàu không trả hàng.
Nếu người mua yêu cầu dùng vận đơn đích danh là loại vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng trên vận đơn thì người bán nên sử dụng nghiệp vụ vận đơn chủ (master bill of lading) và vận đơn thứ cấp (house bill of lading). Như vậy, trên vận đơn chủ, ghi tên người nhận hàng là đại lý của người giao nhận. Đối với vận đơn thứ cấp, tên người nhận hàng chính là tên người mua hàng. Bộ chứng từ gửi cho ngân hàng phía người mua có vận đơn thứ cấp. Sau khi trả tiền hàng cho ngân hàng, người mua sẽ có vận đơn này và nộp cho đại lý của người giao nhận để nhận hàng. Vận đơn chủ được gửi thẳng từ người giao nhận cho đại lý của họ. Như vậy, nếu một phần hoặc tất cả vận đơn bị thất lạc, người có vận đơn cũng không thể nhận hàng từ hãng tàu vì chỉ đại lý của người giao nhận mới nhận được hàng từ hãng tàu bằng vận đơn chủ.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và ban đọc.