Cơ hội & thách thức từ EVFTA

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 22:13, 17/05/2020

(VLR) Với vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước, thương mại hàng hóa giữa TP. HCM và EU trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến một số nhóm hàng xuất nhập khẩu mà TP. HCM đang có lợi thế. Nếu nắm bắt tốt, đây là cơ hội tạo nên bước phát triển đột phá về thương mại hàng hóa cho Thành phố và cả nước.

Cơ hội

EU là thị trường xuất khẩu lớn của TP. HCM chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, với lượng kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên gần 4,5 tỷ USD và là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Mặc dù, TP. HCM có khá nhiều mặt hàng chủ lực đã có mặt tại thị trường châu Âu như: thực phẩm, dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất… Tuy nhiên, theo các chuyên gia thị trường phân tích, dù lượng thặng dư thương mại, giá trị xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu tăng mạnh trong vòng 20 năm qua, nhưng các rào cản thương mại đang làm chững lại tốc độ này và các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc xâm nhập thị trường này.

Lượng người tiêu dùng châu Âu có nhu cầu với các sản phẩm của Việt Nam ngày một gia tăng, thể hiện qua sự tăng trưởng hàng năm của nhóm sản phẩm nông sản - thực phẩm xuất khẩu từ TP. HCM đến thị trường EU.

EU là thị trường xuất khẩu rộng lớn, khá ổn định do đó việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung sang khu vực này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu TP. HCM có được sự tăng trưởng ổn định về kim ngạch và thu được nguồn ngoại tệ lớn mà không sợ xảy ra tình trạng khủng hoảng xuất khẩu. EU đang có sự chuyển hướng chiến lược sang châu Á. Việt Nam cũng như TP. HCM nằm trong khu vực này nên có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển này.

Với gần 500 triệu người tiêu dùng và GDP hơn 17.000 tỷ USD của EU, việc ký kết EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng để TP. HCM tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với EU. TP. HCM có khả năng tiếp cận dễ dàng vào thị trường EU, bởi khung khổ FTA sẽ cho phép loại bỏ thuế quan đối với hơn 90 loại thuế. Từ đó đem lại những lợi ích bền vững cho cả hai bên, trong đó phần lợi ích của TP. HCM là trội hơn. Chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan sẽ làm hàng hóa xuất khẩu sang EU tăng từ 30% - 40% so với trường hợp không có Hiệp định. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA bao gồm: dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm… Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng sẽ được mở rộng đáng kể nhờ EVFTA, và có thể góp phần làm tăng hiệu suất cho toàn bộ nền kinh tế. Việc thiết lập FTA với EU góp phần vào quá trình tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư cởi mở, thông thoáng hơn, từ đó sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp. Hàng hóa của EU xuất khẩu sang TP. HCM sẽ tăng lên, tạo sự cạnh tranh trong thị trường nội địa. Điều này có lợi cho người tiêu dùng TP. HCM khi được sử dụng các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả cạnh tranh.

Thách thức

Khi EVFTA được thực thi, các doanh nghiệp tại TP. HCM sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn trên sân nhà. Hàng hóa của các nước EU thâm nhập thị trường TP. HCM dễ dàng hơn, với giá cả cạnh tranh hơn do không phải chịu thuế nhập khẩu. Hệ quả là, việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại thị trường nội địa sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có những ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được. Ngoài ra, các doanh nghiệp từ EU có thể dễ dàng thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động ở TP. HCM và tham gia vào các lĩnh vực mà hiện nay TP. HCM chưa có thế mạnh, hoặc đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, như: ngành logistics, cảng biển, một số mặt hàng tiêu dùng, nguy cơ các doanh nghiệp TP. HCM chịu lép vế là khá rõ ràng.

Tiêu chuẩn do EU áp đặt nằm trong số các tiêu chuẩn khắt khe và khó đạt được nhất với chi phí cao nhất trên thế giới. Các quy định nghiêm ngặt về môi trường và phúc lợi động vật (SPS) luôn là thách thức đối với các nước đang phát triển nói chung và với TP. HCM nói riêng. Khi hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU được đẩy mạnh, thì nguy cơ các doanh nghiệp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ thường xuyên hơn và ở mức độ rộng hơn.

Mức thuế bình quân áp dụng với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của EU vào TP. HCM về cơ bản đều ở mức thấp (cơ khí 3,4%, dược phẩm 2%, dụng cụ quang học và y tế 1,3%, máy bay 0%). Tuy nhiên, đó là tính trên mức bình quân, mức thuế đỉnh cho các mặt hàng như đã nêu vẫn tương đối cao, từ 10% đối với dược và đến 90% đối với ô tô. Vì vậy, FTA Việt Nam - EU, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến ngân sách do nguồn thu thuế nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Nhiều doanh nghiệp còn e ngại khi tiếp cận thị trường EU vì đây là một thị trường khó tính và đòi hỏi rất cao. Tuy nhiên, đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ này. Nếu các sản phẩm, hàng hóa của TP. HCM đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường EU thì hoàn toàn có thể tự tin tiếp cận các thị trường khác.

Giải pháp

Thị trường và người tiêu dùng EU rất khắt khe đối với chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, sự đồng đều của sản phẩm. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp nên chủ động hơn trong việc tìm hiểu thị trường, tìm hiểu về những rào cản, tiêu chuẩn kỹ thuật,… Tùy từng ngành hàng cụ thể sẽ lại có những ưu đãi nhất định về mặt thuế quan. Do vậy để tận dụng được tối đa những lợi ích mà EVFTA có thể mang lại, các doanh nghiệp cần chú trọng những vần đề sau:

Thứ nhất, cần nhìn nhận từ góc độ phía cầu - tức góc độ thị trường EU về sức mua, thị hiếu, tính đa dạng cũng như là phân khúc thị trường, dân số... Ở đây, điều rất quan trọng là nhận thức và khả năng thích ứng. Tham gia xuất khẩu vào thị trường EU, nhất là trong giai đoạn hậu WTO, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, không buôn bán theo kiểu bán lẻ, bán sỉ mà phải thích ứng theo tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi và coi nhu cầu của thị trường là phần không thể thiếu của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tích cực tiếp cận thông tin, học hỏi những bài học quá khứ của các nước và của chính Việt Nam.

Thứ hai, doanh nghiệp cần phải chấp nhận và nâng cao khả năng thích ứng với những rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá, những rào cản kỹ thuật khác của các thị trường văn minh. Không để bị động, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó ngay từ đầu để có thể kiểm soát được sản phẩm của mình. Điều này sẽ tạo ra một quy trình mới về tư duy chiến lược, cách điều hành bộ máy, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, phản ứng nội tại của doanh nghiệp TP. HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM. Thực tế là nhiều doanh nghiệp TP. HCM chưa thực sự nắm rõ các quy định liên quan của EU, chưa coi trọng việc liên doanh liên kết với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao trong việc kiến nghị hoạch định và điều chỉnh chính sách, kiến nghị với Chính phủ về nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp... Để doanh nghiệp nắm bắt tốt cơ hội phát triển, hạn chế thấp nhất các thách thức, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cần đi đầu trong công tác hỗ trợ đào tạo, phổ biến chính sách kịp thời đến từng doanh nghiệp.

Lê Thị Ánh Tuyết