Việt Nam là ưu tiên số 1 của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 20:15, 15/09/2022
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng nhận thấy quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản” đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất với sự tin cậy chính trị cao. Nhật Bản tiếp tục là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA song phương số 1, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư thứ 3 và đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hợp tác, giao lưu hai nước tiếp tục được hai bên tăng cường trên các lĩnh vực. Trong gần 1 năm qua, Thủ tướng hai nước đã có 3 cuộc gặp rất thành công, đạt nhiều kết quả thực chất, góp phần đưa quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần “chân thành, tình cảm, tin cậy”. Hai nước đang tăng cường hợp tác, chuẩn bị cho nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu, lâu dài, ủng hộ Nhật Bản đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển của khu vực và trên thế giới; Việt Nam quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thực hiện các cam kết với các nhà đầu tư và luôn quyết liệt xử lý khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các dự án hợp tác của Nhật Bản.
Thủ tướng đề nghị Ngài Thống đốc quan tâm, tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan Nhật Bản đẩy mạnh, mở rộng hợp tác phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng cường hỗ trợ tham vấn chính sách; đào tạo nhân lực; thúc đẩy hợp tác công tư; đầu tư vào các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông (đường bộ cao tốc, sân bay, đường sắt tốc độ cao…), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…; phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất trang thiết bị cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị JBIC tiếp tục mở rộng các khoản vay với lãi suất ưu tiên dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tham gia vào các dự án hợp tác giữa hai nước theo tinh thần chương trình hợp tác ODA thế hệ mới mà Thủ tướng hai nước đã trao đổi, thống nhất; tiếp tục tư vấn, khuyến khích, vận động doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Việt Nam, đưa Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản, đưa Nhật Bản sớm trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.
Cùng với đó, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trên cơ sở bảo đảm công bằng, công lý, ưu tiên Việt Nam là nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn nhiều khó khăn; trong đó có triển khai có hiệu quả Sáng kiến xây dựng cộng đồng phát thải ròng bằng 0 ở châu Á và Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI), tiếp cận khoản hỗ trợ 10 tỷ USD mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Thủ tướng cũng đề nghị JBIC cùng Chính phủ Nhật Bản phối hợp với các bên liên quan quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan dự án lọc dầu Nghi Sơn theo hướng tái cấu trúc lại dự án, trong đó có tái cơ cấu tài chính, trên tinh thần cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, phù hợp với tầm quan trọng và tính biểu tượng của dự án đối với quan hệ hai nước.
Thống đốc JBIC nhất trí với nhiều đề xuất hợp tác của Thủ tướng, trong đó có vấn đề liên quan dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; đánh giá cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, nhất là ổn định giá xăng dầu, duy trì đà tăng trưởng tốt, có thị trường đầy tiềm năng, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật, là ưu tiên số 1 của JBIC.
Thống đốc cũng đánh giá cao mục tiêu kép của Việt Nam về đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và trở thành nước phát triển vào năm 2045; Việt Nam là đối tác quan trọng, chia sẻ nhiều mục tiêu với Nhật Bản; do đó, JBIC và phía Nhật Bản sẽ tích cực đồng hành, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là trong chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ cả về vốn, công nghệ, kỹ thuật và đào tạo nhân lực, giảm thiểu phát thải không chỉ trong khâu sản xuất mà cả các khâu khác như phân phối, sử dụng điện.
Ngài Thống đốc khẳng định sẽ tích cực phối hợp với các bên để giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án lọc dầu Nghi Sơn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Ông khẳng định với tình cảm, kinh nghiệm, hiểu biết về Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực, có nhiều sáng kiến, hoạt động thiết thực góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
* Đến nay, tổng vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam khoảng 30 tỷ USD; lao động Việt Nam tại Nhật Bản khoảng 350.000 người; Nhật Bản có 4.873 dự án FDI tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 65 tỷ USD. Kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020; 6 tháng năm 2022 đạt 23,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021.
* Đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì vậy, giữa 2 nước có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác giao thương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thực phẩm chế biến.
* Thống kê cho thấy, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,8 tỉ USD. Mặc dù mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này là hàng thủy sản có mức giảm 7,4%, các mặt hàng còn lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt, như cà phê tăng 25,5%, hàng rau quả tăng 20%, hạt điều tăng 39%, hạt tiêu tăng 56%...