Sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng trở thành xu hướng?

Bất động sản - Ngày đăng : 08:12, 16/09/2022

Với sự phát triển của khoa học công nghê, mọi người có thể sống, làm việc và nghỉ ngơi mọi lúc mọi nơi. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho bất động sản nghỉ dưỡng (second home) trở thành xu hướng sở hữu trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam.

Đầu tư sở hữu bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, nơi có phong cảnh đẹp, không khí trong lành, gắn liền cuộc sống theo phong cách xanh với thiên nhiên đang là một xu thế được các cư dân tiên tiến tại đô thị yêu thích. Ngôi nhà thứ hai – Second Home như là một chốn đi về thể hiện phong cách sống mới của doanh nhân.
Tuy nhiên, người mua có rất nhiều lo lắng khi sở hữu sản phẩm này. Vì vậy, người mua cần phải phân tích và lựa chọn địa điểm, đánh giá nhu cầu bản thân và khả năng đáp ứng của sản phẩm được chào mua, tính toán ngân sách đầu tư, khả năng duy trì vận hành và cho thuê, tăng trưởng thu nhập …
Tại hôi thảo gần đây, ông Nguyễn Thu Phong là kiến trúc sư, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Kiến trúc Xây dựng Nhà Vui đã chia sẻ góc nhìn về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, cũng như đưa ra lời khuyên cho người mua và chủ đầu tư dự án BĐS nghỉ dưỡng.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trên thế giới

Bất động sản nghi dưỡng của một số nước trên thế giới được khách hàng nội địa mua các sản phẩm tại những vị trí có thể di chuyển bằng ô tô và máy bay trong thời gian ngắn.
Ngoài các thị trường BĐS nghỉ dưỡng truyền thống ôn đới như Bắc Mỹ, Nam Âu – Địa Trung Hải, các điểm đến nhiệt đới luôn sôi động nhà đầu tư toàn cầu như Caribe và Trung Mỹ, các đảo Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, thị trường Đông Nam Á phát triển 25 năm và thị trường Dubai – Trung Đông trong vòng 15 năm qua.
Sau Covid-19, mọi người có xu hướng thay đổi lối sống, có thể “work from home”, giá nhà tại các đô thị lớn Mỹ và Canada được giá, dân nội địa bán nhà và dịch chuyển về vùng ngoại vi, vùng nghỉ dưỡng định cư mới. Những số liệu kỷ lục về làn sóng di dân ngược đã được thông kê ghi nhận, đẩy giá BĐS nghỉ dưỡng tăng vượt mức trung bình lên 20 – 25%/năm tạo ra cơn sốt hậu Covid. Tại châu Á, giá cả tăng châm hơn, các thi trường đặc biệt như Hong Kong, Singapore giá vẫn rất cao cho lượng sản phẩm VIP rất hạn hẹp.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam

Tại Việt Nam, xu thế du lich nghỉ dưỡng cuối tuần và theo mùa phát triển mạnh mẽ từ những năm cuối thập niên 90 và đầu năm 2000. Còn kinh doanh, đầu tư BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh từ giai đoạn 2008 – 2009 đến nay, đầu tiên là các bất động sản vùng biển cho đến các loại hình condotel (giai đoạn 2014 – 2015). Sau đó, là sự nở rộ các loại hình Farmhome, bất động sản nghỉ dưỡng vùng núi (giai đoạn 2016-2018).
Mức tăng trưởng của bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam còn hứa hẹn phát triển tốt trong trung hạn từ 10 – 20 năm nữa, do xuất phát điểm thấp, tầng lớp trung lưu đang mở rộng cùng xu thế sống mới tiên tiến hội nhập thế giới (Việt Nam phát triển thị trường này sau phương Tây trên 50 năm, sau các nước châu Á 20 năm). Ngoài ra, vẫn còn dư đia để nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường với tỷ trọng lớn hơn, vì giá trị tương đồng của BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam rẻ hơn mặt bằng chung khu vực.
Sự đa dạng của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tầm trung, nhỏ lẻ và mô hình tự sở hữu quản lý tạo nên thị trường đa dạng nhiều mức giá. Các điểm đến nghỉ dưỡng của quốc gia và vùng ngày càng hoàn thiện hạ tầng phục vụ, đi đôi với tần suất nghỉ dưỡng trong năm của người Việt tăng lên nhiều lần.

mot-goc-cua-khu-nghi-duong-omirita-resort-vlr-15092022.png
Một góc của Khu nghỉ dưỡng Omirita Resort . - Ảnh: omirita.vn

Lời khuyên dành cho người mua và chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng

Đối với người mua, cần phải xác định rõ nhu cầu, thói quen, sở thích, tần suất nghỉ dưỡng của cả gia đình. Xác định ngân sách chi tiêu hàng năm cho các kỳ nghỉ gia đình, khả năng chi tiêu cho hoạt động năm trong chu kỳ 5-10 năm, từ đó sẽ rõ số tiền vốn có thể tham gia đầu tư hợp lý.
Ngoài ra, người mua cần cân nhắc và lựa chọn địa điểm phù hợp nhất, thuận lợi khi di chuyển bằng xe hơi, máy bay hay các phương tiên khác từ ngôi nhà thứ nhất. Cần đánh giá triển vọng phát triển chất lượng sống, đô thị, du lịch và bất động sản của điểm đến.
Người mua cần làm đẹp, sửa chữa, đầu tư các hạng mục công trình, nội thất, tiện nghi cũng như phong cách thẩm mỹ yêu thích của tổ ấm second home. Cần đánh giá và đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho việc chăm sóc bảo trì, bảo dưỡng khi không sử dụng, tự quản hay thuê quản lý chuyên nghiệp, chi phí có thể chi trả cho việc này là bao nhiêu.
Cuối cùng, người mua cần xem xét khả năng tăng giá bất động sản, các phương án cho thuê, khả năng thanh khoản đều cần tính toán các kịch bản an toàn, có lợi trong trung hạn và dài hạn.

Còn những lời khuyên dành cho chủ đầu bất đông sản nghỉ dưỡng như sau: Cần xác định rõ điểm mạnh điểm yếu, các lợi thế cạnh tranh của khu đất dự án và vùng du lịch điểm đến xung quanh; Cần xác định phân khúc khách hàng hướng đến, tạo dựng các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng phù hợp, hấp dẫn, khớp với thị trường mục tiêu; Công tác quy hoạch tối ưu hóa sử dụng đất và khai thác đặc trưng cảnh quan tầm nhìn.
Chủ đất tư dự án cần đầu tư cho phần mềm kiến trúc để tạo ra những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn tinh tế tao bản sắc cho khu nghỉ dưỡng, tạo sự yêu thương cho nhà đầu tư và khách nghỉ. Tăng cường hạ tầng dịch vụ, các tiện ích quy mô hợp lý, không quá tốn phí nhưng đem lại cho khách một sự hài lòng về tổng thể dịch vụ.
Chủ đầu tư dự án cần chọn lựa được đơn vị quản lý điều hành phù hợp, cần chọn lựa được mô hình và chiến lược kinh doanh hợp lý, hoặc khác lạ, đột phá, để thu hút người mua.

Tuấn Anh