800 tỉ đô la: Con số kỷ lục dự báo xuất nhập khẩu cả năm 2022

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 20:55, 20/09/2022

Với những kết quả đạt được trong 8 tháng vừa qua cùng với những nỗ lực tận dụng tốt các FTA mang lại và sự điều hành chính sách vĩ mô của nhà nước đã hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của doanh nghiệp.
img_6753-1.jpg
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc trong đó đáng chú ý là doanh nghiệp thủy hải sản. Ảnh: Internet

Dù nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề xuất khẩu chính than vãn bị sụt giảm hoặc hũy đơn hàng nhiều nhưng trị giá xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng hơn 14% và xuất siêu 3,86 tỉ đô la Mỹ trong tháng 8 vừa qua.

Điều này đã nâng tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước gần cán mốc 500 tỉ đô la và xuất siêu gần 5,5 tỉ đô la trong 8 tháng đầu năm (cùng kỳ năm ngoái nhập siêu 2,63 tỉ đô la). Dự báo xuất nhập khẩu cả năm 2022 sẽ có thể đạt mốc 800 tỉ đô la, phá kỷ lục của năm 2021 là 668,54 tỉ đô la.

Theo số liệu thống kê sơ bộ cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 8 vừa qua đạt gần 66 tỉ đô la, tăng 7,9% tương ứng tăng 4,84 tỉ đô la so với tháng trước đó. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 34,92 tỉ đô la, tăng 14,1% (tương ứng tăng 4,31 tỉ đô la) và trị giá nhập khẩu là 31,06 tỉ đô la, tăng 1,7%. Như vậy, chỉ riêng tháng 8 vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đến 3,86 tỉ đô la.

Tính chung trong 8 tháng vừa qua, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 499,71 tỉ đô la, tăng 15,9% tương ứng tăng gần 68,7 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 252,6 tỉ đô la, tăng 18,2% (tương ứng tăng 38,85 tỉ đô la) và trị giá nhập khẩu đạt 247,11 tỉ đô la, tăng 13,7% (tương ứng tăng 29,84 tỉ đô la).

Như vậy tính ra, trong 8 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 5,49 tỉ đô la. Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước cùng kỳ năm ngoái bị thâm hụt 2,63 tỉ đô la.

Như vậy kết quả trên cho thấy có sự ngược chiều với những lo lắng về đơn hàng bị sụt giảm hoặc bị huỷ đột ngột của các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn trong ngành đồ gỗ, da giày, may mặc,… đưa ra trong hơn 2 tháng qua do các thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU,… lạm phát cao.

Kết quả xuất nhập khẩu trên của cơ quan hải quan cũng phần nào trùng khớp với khảo sát mới nhất về doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam của S&P Global thực hiện cho thấy lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn khi áp lực lạm phát giảm. Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global rằng các nhà sản xuất báo cáo số lượng đơn đặt hàng mới tăng từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài.

cang-bien-1639364660079411139040.jpg
Hàng container thông qua cảng biển 8 tháng năm 2022, ước đạt 17,059 triệu TEUs. Ảnh: Internet

Trên thực tế, để đạt được kết quả trên là nỗ lực rất lớn từ ngay chính các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ. Bởi từ đầu năm đến nay, thị trường lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã siết chặt quy định nhập khẩu để chống dịch Covid-19.

Những tháng sau đó doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chiến sự Nga-Ukraine, tình trạng lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU… Thế nhưng, các nhà xuất khẩu đã nhanh chóng chuyển hướng và tận dụng các hiệp định thương mại thế hệ mới để gia tăng đơn hàng.

Năm năm gần đây, Việt Nam đã ký một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA … Đánh giá về mức độ tận dụng CPTPP, Bộ Công Thương cho biết kể từ khi hiệp định này có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019, nền kinh tế đã ghi nhận sự tăng trưởng nhảy vọt về hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ.

Tương tự, Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã tạo đà tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trong khoảng 2 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỉ đô la với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.

Đánh giá về việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA trong 2 năm vừa qua, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh rằng doanh nghiệp Việt Nam tận dụng đa dạng từ EVFTA, những mặt hàng có thuế cao, được cắt giảm mạnh như rau quả, thuỷ sản đều tăng trưởng tốt.

Đặc biệt, dù EU là thị trường khó tính với hàng rào kỹ thuật nhưng doanh nghiệp vẫn đáp ứng yêu cầu cao để vào thị trường. Đó là điểm lớn; trong đó, cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu của EU và đưa hàng vào một cách bài bản.

Với những kết quả đạt được trong 8 tháng vừa qua cùng với những nỗ lực tận dụng tốt các FTA mang lại và sự điều hành chính sách vĩ mô của nhà nước đã hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của doanh nghiệp, các chuyên gia dự báo khả năng kết thúc năm nay sẽ đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 800 tỉ đô la.

* Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”.

Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư tiếp tục xác định: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này khi chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, chiều ngày 19/9, tại Trụ sở Chính phủ.

Thành Nam