Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại: Nghệ thuật Xoè Thái

Du lịch - Ngày đăng : 21:28, 27/09/2022

Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái đã trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết, sẻ chia và tình yêu thương, được UNESCO công nhận là "Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại".

Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), Di sản "Nghệ thuật Xòe Thái" của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

img_1143-1280x854.jpeg
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đại diện cho UNESCO trao bằng. Ảnh: Báo Nhân dân

Tối ngày 24/09, tại Nghĩa Lộ - Yên Bái, đã diễn ra Lễ vinh danh và đón nhận Bằng của UNESCO công nhận Nghệ thuật Xoè Thái là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sự kiện do UBND tỉnh Yên Bái phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La tổ chức. Nhân dịp này, tỉnh Yên Bái khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

308637138_875441796754058_1910423818104110039_n.jpg
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Đến tham dự, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân-thiện-mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc.

Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn, phát huy hơn nữa truyền thống văn hóa, lịch sử các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc.” (Theo báo Nhân dân).

vna_potal_thu_tuong_du_le_don_nhan_bang_cua_unesco_ghi_danh_nghe_thuat_xoe_thai_la_di_san_van_hoa_phi_vat_the_dai_dien_cua_nhan_loai_6349295.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: TTXVN

Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Tiêu biểu ở các huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên; huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

Nghệ thuật múa Xoè đã có từ rất lâu, không ai nhớ rõ, nhưng trong hầu hết các Lễ hội của họ thì điệu múa xoè luôn hiện hữu và người Thái có câu hát: ““Không xòe không vui/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe trai gái không thành đôi.” Điều đó đủ thấy rằng, điệu múa xoè đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của họ, điệu múa Xoè thành văn hoá đặc trưng, mỗi bản làng vui nhộn, rộn ràng và khi "Anh không xòe thì hoa héo đi/ Em không xòe trời xuân qua đi..."

Người Thái có đến trên 30 điệu xòe, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sáu điệu xòe cổ (sáu điệu xòe cơ bản). Đó là điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nâng khăn mời rượu; “Phá xí” - bổ bốn; “Đổn hôn” - tiến lùi; “Nhôm khăn” - tung khăn; “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay và điệu “Khắm khen” - nắm tay. Mỗi dáng đi, cách đứng, cách xếp đội hình, sẽ mang những ý nghĩa khác nhau mà điệu xoè thể hiện.

Mỗi điệu Xoè, người Thái sẽ gửi vào đó những mong ước riêng, như điệu Xoè “Nhôm khăn”, với chiếc khăn thổ cẩm nhiều màu sắc tung bay theo từng nhịp trống thể hiện sự tươi vui, phấn khởi khi mùa màng bội thu. Điệu Xoè “Đổn hôn” tượng trưng cho sự son sắt, thuỷ chung cho tình người khi gặp những sóng gió, khó khăn trong cuộc sống.

dsc_6974-1760x1173.jpg
Biểu diễn Nghệ thuật Xoè Thái. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhạc cụ dùng để múa xoè gồm 1 trống, 2 cồng, 1 chũm chọe. Âm nhạc của điệu múa này cũng là biểu hiện cho thế giới quan và nhân sinh quan của người xưa, khi tiếng trống là âm thanh của mặt đất, tiếng cồng là sự vang vọng của bầu trời, tiếng chũm chọe là biểu tượng “phồn thực” của muôn loài.

Ở giữa vòng Xoè, họ dựng lên một cây cột gọi là “cây xén xính”, trên đó có treo hình thù các con vật, hình mặt trăng, mặt trời có khi được đan bằng tre hoặc đẽo gỗ.

Điệu múa xoè trong những đêm lễ hội để người dân cảm ơn trời đất đã cho họ một mùa màng bội thu, quên đi những mệt nhọc và sau đó họ lại thêm yêu lao động và yêu cuộc sống hơn.

Thuỳ Dương