Vỡ đê ở Nghệ An, hàng trăm người nỗ lực ứng cứu

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:37, 30/09/2022

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru (bão số 4), từ ngày 28/9 đến tối 29/9 trên địa bàn Hưng Nguyên vẫn có mưa to cộng với nước thượng nguồn đổ về đã làm cho một đoạn đê Hội Tĩnh thuộc xóm 7, Làng Rào xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) bị vỡ .
devo1.jpg
Đoạn đê bị vỡ dài khoảng 5m.

Cụ thể, vào lúc 20h ngày 29/9, đê kênh thấp qua xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên bị vỡ khoảng 5m, gây ảnh hưởng đến 6 xóm với 1.700 hộ dân (khoảng 6.000 nhân khẩu). Sau khi phát hiện sự cố, huyện Hưng Nguyên đã huy động các lực lượng và nhân dân tập trung vận chuyển vật liệu để đắp đê.

Nhận được tin báo, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo huyện Hưng Nguyên đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố đê vỡ.

devo3.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục đê vỡ.

Tuy nhiên do thời tiết mưa lớn, đường vào khu vực hiện trường hạn chế nên công tác hộ đê gặp nhiều khó khăn. Đến 12h đêm cùng ngày, đoạn đê bị vỡ vẫn chưa được khắc phục. Các lực lượng cùng người dân đang nỗ lực để gia cố.

devo2.jpg
Hàng trăm người được huy động khắc phục đê vỡ trong đêm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão Noru, trong ngày 29/9 tỉnh Nghệ An tiếp tục hứng mưa lớn, khiến nhiều nơi bị ngập sâu, gây chia cắt cục bộ tại nhiều địa phương như TP. Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hoàng Mai, Kỳ Sơn, Con Cuông…

Tại huyện Quỳnh Lưu, đã ngập cục bộ ở một số xã như, Quỳnh Tam, thị trấn Giát, Quỳnh Hồng, Quỳnh Giang, Quỳnh Mỹ… Đến chiều 29/9, có hơn 5.550 hộ dân ở huyện Quỳnh Lưu vẫn đang ngập tronh nước, buộc phải di dời, hơn 700 hộ khác bị cô lập.

devo5.jpg
Mưa lũ khiến nhiều địa phương ở Nghệ An bị ngập cục bộ.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Nghệ An, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp của huyện Quỳnh Lưu: có khoảng 950ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, gần 6.000 gia súc, gia cầm bị chết; 4.255 tấn muối trong bị ngập… Đặc biệt, sạt lở bờ đê sông, hồ đập tại các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hưng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Tam với tổng chiều dài khoảng 220m.

Nhiều xã ở huyện Yên Thành như Quang Thành, Hậu Thành, Xuân Thành, Bảo Thành… mưa lớn cũng khiến nước từ các sông dâng cao, tràn từ ruộng vào nhà dân. Người dân hối hả di dời lúa, tivi, tủ lạnh… lên khu vực cao hơn ngay trong đêm.

devo6.jpg
Người dân vùng lũ huyện Quỳnh Lưu được hỗ trợ nhu yếu phẩm.

Huyện Thanh Chương hiện có 776 nhà bị ngập, 3 điểm trường ở các xã Thanh Ngọc và Thanh Nho ngập sâu; 23 xóm bị cô lập; tuyến đê phòng lũ đoạn qua nhà máy may, xã Thanh Liên bị nước tràn qua… Đến chiều 29/9 trên địa bàn huyện có 1 người chết và 1 người mất tích do mưa lũ. Đoàn công tác ứng phó thiên tai của tỉnh Nghệ An đã đi kiểm tra thực tế trong chiều 29/9, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số điểm trên địa bàn huyện Thanh Chương.

devo4.jpg
Nhiều trường học ở Nghệ An tạm thời phải đóng cửa do mưa lũ.

Các huyện miền núi Nghệ An như Con Cuông, Kỳ Sơn… cũng bị chia cắt cục bộ. Đồn Biên phòng Môn Sơn đã cử lực lượng xuống địa bàn các bản Thái Sơn 1 và Thái Sơn 2 tổ chức di dời tài sản kịp thời nên không có thiệt hại về người, tài sản, đồ đạc, gia súc của người dân đã kịp thời được di dời lên cao. Hiện tất cả các tuyến đường từ bản Mét, bản Tân Hợp, bản Yên Hoàn, bản Lục Sơn, bản Khe Mọi, bản Xằng… vẫn đang đều bị chia cắt do ngập các đập tràn.

Nước lũ lên nhanh khiến nhiều tuyến đường bị ngập lụt và chia cắt, học sinh không thể đến trường. Hơn 90% trường học trên địa bàn huyện Con Cuông vẫn bị ngập, buộc phải cho học sinh tạm thời nghỉ học vài ngày.

Duy Ngợi