Logistics, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị ở Việt Nam

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:49, 30/09/2022

Với các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là việc mở cửa thị trường ở các nước đang phát triển, logistics được các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách kinh tế coi như là công cụ, phương tiện liên kết các lĩnh vực khác nhau trong chiến lược doanh nghiệp.
13-1.png
Logistics là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Internet

Kinh nghiệm một số nước

Logistics là một lĩnh vực dịch vụ liên quan đến nhiều ngành, từ sản xuất, thương mại đến giao thông nên cần có sự chủ trương của chính phủ, từ đó xây dựng khung pháp lý đồng bộ nhằm gắn kết, thống nhất hoạt động quản lý và phối hợp các ngành để tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình và mục tiêu trọng điểm, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ dịch vụ logistics.

Singapore được coi là một trong những quốc gia có ngành logistics phát triển nhất thế giới và đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics toàn cầu. Chính phủ Singapore đặt ra mục tiêu chiến lược đối với hệ thống logistics quốc gia là phát triển nước này trở thành trung tâm logistics tích hợp hàng đầu thế giới với nãng lực cao về vận tải hàng hải, hàng không và đường bộ.

Bên cạnh các cam kết của chính phủ trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho lĩnh vực vận tải biển và logistics, Chính phủ Singapore cũng tạo điều kiện cho các công ty kinh doanh dịch vụ logistics sử dụng dịch vụ cho vay của nước này để thuê mua tàu biển và container.

Nhằm đón đầu xu thế phát triển, Chính phủ Singapore đã đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng logistics quan trọng, quy mô lớn, hệ thống đường cao tốc, trung tâm logistics hàng không…

Đồng thời, Singapore cũng đầu tư mạnh mẽ về công nghệ thông tin thông qua việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm tự động hóa hệ thống trao đổi thông tin thương mại và pháp luật, giúp giảm các chi phí liên quan đến thông tin trong các hoạt động logistics, đồng thời tạo ra nguồn thu từ các dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao.

Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù nền kinh tế thế giới và khu vực phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng kéo dài đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, chiến tranh Nga – Ucraina nhưng vốn đầu tư vào logistics ở Singapore vẫn tiếp tục tăng.

Không chỉ các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới coi Singapore là điểm tiếp cận thị trường châu Á mà nước này còn được các doanh nghiệp logistics châu Á chọn là "cánh cửa" mở ra thị trường thế giới.

Trong khi đó, ngành logistics Nhật Bản có sự nổi trội về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông rất hiện đại, đặc biệt là hệ thống cầu vượt biển để liên kết các đảo. Song yếu tố chính giúp ngành logistics của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ là vai trò lãnh đạo, định hướng và thực thi quan trọng của chính phủ. Giới chức Nhật Bản đã sớm chú trọng phát triển dịch vụ logistics bằng cách đề ra kế hoạch phát triển các bãi kho vận, hậu cần và các thiết bị hậu cần.

Chính phủ Nhật Bản nhận thức rõ về vai trò của logistics đối với sự phát triển của đất nước cũng như nhận thức đầy đủ thế mạnh, cơ hội và thách thức đối với hệ thống logistics quốc gia. Những thế mạnh nổi bật của hệ thống logistics của Nhật Bản là kết cấu hạ tầng hiện đại hàng đầu thế giới; khả năng kết nối trong toàn bộ hệ thống cả về vật chất, thông tin và tiền tệ là hoàn hảo; lực lượng lao động được đào tạo ở trình độ cao về kiến thức, kỹ năng và khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo.

Một số khuyến nghị nhằm phát triển logistic tại Việt Nam

Để phát triển ngành logistics, một số quốc gia đã hình thành cơ quan chuyên trách hoặc hội đồng tư vấn với các thành viên đến từ các bộ, ngành liên quan nhằm đề ra một kế hoạch hành động mang tính chiến lược với tầm nhìn dài hạn.

202012241_2.jpg
Chính sách phát triển dịch vụ logistics bắt đầu từ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông tạo điều kiện phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển...Ảnh: Internet.

Ở Việt Nam, Logistics hiện đang được Chính phủ và nhiều địa phương trọng điểm đặc biệt quan tâm. Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... đã có những thành công nhất định trong việc xây dựng thành những trung tâm logistics sôi động. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, nút thắt phải giải quyết.

Có thể thấy, hạ tầng cơ sở kém phát triển, chậm trễ trong phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin. Là những rào cản trong quá trình phát triển logistics Việt Nam, thêm vào đó, nguồn nhân lực yếu và lao động chủ yếu trình độ trung bình thấp, thiếu đội ngũ nhân viên logistics chuyên nghiệp. Công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics chưa được quan tâm. Một số chính sách và việc thực thi chính sách còn gây trở ngại cho các hoạt động logistics, nhất là chính sách liên quan đến thủ tục hải quan, quản lý nhà nước.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và thực tiễn ngành logistic tại Việt Nam có thể thấy, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho ngành logistic là việc đầu tiên Viêt Nam cần phải làm. Việt Nam cần có kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng dài hạn và quyết tâm thực hiện như Malaysia. Do nguồn lực có hạn, Việt Nam tại thời điểm này khó có thể đầu tư phát triển toàn bộ cơ sở hạ tầng của mình. Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thể xem xét phát triển đường sắt, với các ưu thế của vận tải đường sắt sẽ giúp giảm chi phí logistic. Việt Nam nên ưu tiên chọn những đoạn đường sắt có lưu lượng hàng hóa lớn để thực hiện nâng cấp, chẳng hạn đoạn Hà Nội – Quảng Ninh, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hà Nam, Hà Nội – Vĩnh Phúc, Hà Nội – Thanh Hóa. Những tuyến đường sắt này nối Hà Nội với các khu công nghiệp chính tại miền Bắc Việt Nam...

Tóm lại, Logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung. Sự phát triển của logistics góp phần gia tăng quy mô của kinh tế, nâng cao chất lượng trong tăng trưởng, phát triển của các ngành kinh tế.

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)