Logistics trong thế kỉ 21: Nhiều cơ hội cũng như thách thức

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 10:34, 06/10/2022

Tất nhiên thế kỷ 21 đã gần qua 22 năm. Ở thập niên thứ 3 sau khi Covid-19 xuất hiện và biến động địa chính trị cho thấy logistics giống những chiếc bánh luôn vận hành không ngừng nghỉ.
hot.png
Quản lý chuỗi cung ứng đang là ngành nghề có tiềm năng trong thế kỷ 21

Khi Việt Nam đang tiến trên “xa lộ” hội nhập quốc tế, chúng ta cần thêm nhiều động lực để cỗ xe kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn. Một trong những động lực quan trọng đó chính là một ngành logistics phát triển thông minh hơn và có năng lực cạnh tranh quốc tế cao hơn. Mặc dù thời gian qua logistics của Việt Nam có nhiều điểm sáng, tuy nhiên chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng sự phát triển của ngành logistics trong nước vẫn gặp phải rất nhiều thách thức.

Thách thức lớn nhất là vấn đề chi phí dịch vụ logistics còn cao. Theo thống kê của công ty nghiên cứu uy tín Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%. Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30 – 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự kết nối của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài còn khá lỏng lẻo. Thị phần dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp lớn của nước ngoài nắm giữ. Doanh nghiệp trong nước chỉ có khoảng 25% thị phần. Dù doanh nghiệp trong nước am hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng, họ chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực không đồng đều và đi sau các doanh nghiệp FDI về trình độ công nghệ. Chính vì thế, việc tăng kết nối và xây dựng hệ sinh thái cộng sinh với nhau và với doanh nghiệp FDI là cần thiết để “khơi thông dòng chảy” logistics, thông qua học hỏi các công nghệ mới cũng như thúc đẩy việc hình thành các dịch vụ môi giới, trung gian trong ngành logistics.

Các dịch vụ môi giới và trung gian trong logistics sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tối ưu hóa hơn việc vận tải hàng hóa bởi theo một thống kê gần đây của Ngân hàng Thế giới khoảng 70% xe chở hàng chấp nhận chạy không tải ở chiều về vì không thể tìm được khách hàng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của doanh nghiệp trong nước rất thiếu tính cạnh tranh.

Thế kỷ 21 xuất hiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Covid-19 và biên động địa chính trị thế giới thực sự là cú huých không thể tốt hơn cho chuyển đổi số.

Vì vậy, ứng dụng công nghệ trong hoạt động logistics là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam giảm các chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và bứt phá trong thời kỳ hội nhập. Công nghệ internet vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ cảm biến, thực tế tăng cường, in 3D, công nghệ rô-bốt và phương tiện bay không người lái sẽ là những yếu đột phá ảnh hưởng sâu sắc tới lĩnh vực logistics trong 5-15 năm sắp tới. Số hoá và thông minh hoá là hành trình để ngành logistic có thể vươn xa.

Đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ cũng là yếu tố tất yếu nếu xem xét bối cảnh Việt Nam hiện nay. Thương mại điện tử trong nước đang phát triển bùng bổ bắt nhịp theo xu hướng gia tăng thu nhập bình quân đầu người và sự phổ biến của việc sử dụng các ứng dụng di động. Bên cạnh đó, ở tầm vĩ mô, Việt Nam đã là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do lớn như EVFTA, CPTPP hay RCEP.

Những xu hướng mới này sẽ tạo đà cho hoạt động logistics trong nước vươn mình mạnh mẽ. Chính vì thế, đây là thời cơ vàng cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhận định: “Logistics là thiên đường cho khởi nghiệp sáng tạo”. Đầu tư cho công nghệ và đổi mới sáng tạo là khoản đầu tư thông minh. Đó là một trong những chìa khóa cho mục tiêu cắt giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, trong thực tế, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới đóng vai trò như những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài, như đảm nhận việc khai báo hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi... Chưa có doanh nghiệp nào đủ sức tổ chức, điều hành toàn bộ quy trình hoạt động logistics.

Dịch vụ logistics theo hướng 3PL đã hiện diện và có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Do đó, nếu chỉ cung cấp các dịch vụ kho vận đơn giản, thuần túy… mà không tích hợp chúng thành quá trình, chuỗi dịch vụ, người cung ứng dịch vụ khó có thể thỏa mãn khách hàng về mặt giảm chi phí cũng như tính đáp ứng nhanh (quick responsiveness). Có thể nói, ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân làm cho dịch vụ logistics của nhiều doanh nghiệp cung cấp thiếu tin cậy là do trình độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kém, chậm chạp chuyển đổi số.

hot1.png
Sinh viên được tham quan, học tập thực tế về logistics. Nguồn: Internet

Chỉ với CNTT, liên lạc hiện đại làm nền tảng cho dịch vụ logistics 3PL, các doanh nghiệp trong nước mới có thể cạnh tranh được với các công ty 3PL lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Hiện nay, có nhiều giải pháp đầu tư CNTT hiệu quả với chi phí thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nắm bắt cơ hội này để trang bị cho mình. Chẳng hạn, công ty Tân cảng Sài Gòn đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý container tại cảng Cát Lái làm giảm được nhiều thời gian chờ đợi, lấy hàng khỏi cảng, góp phần vào việc giải tỏa tắc nghẽn tại cảng này. Vấn đề còn lại là nhận thức được tầm quan trọng và bức thiết của vấn đề, quyết tâm nâng cao trình độ tiếp cận và sử dụng CNTT trong giới quản lý và nhân viên, đồng thời với việc vạch ra một lộ trình triển khai phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.

Theo TS. Bùi Văn Doanh, từ góc độ của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình và gói hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng như duy trì những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh bằng việc tiếp tục gỡ bỏ những quy định không cần thiết và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp gửi trọn niềm tin vào Chính phủ và các địa phương trong vai trò lãnh đạo các chương trình hành động phát triển logistics tại Việt Nam.

Thành Nam