Giải ngân vốn đầu tư công: "Chạy đua" với thời gian

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 12:32, 12/10/2022

“Tổng vốn đầu tư công năm nay rất lớn, trên 500.000 tỷ đồng, nếu chậm giải ngân thì ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng của năm nay cũng như các năm tiếp theo".

Nguyên nhân "muôn năm cũ"

Mới đây, khi làm việc với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Tổ công tác, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Hà Minh Hải cho biết, năm 2022, thành phố được giao 51.583 tỷ đồng. Đến 22/8, toàn thành phố giải ngân được 13.843 tỷ đồng, đạt 27,1% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước.

danang-city-skyline-aerial-view-compressed.jpg

“Bài ca” giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn muôn thuở. “Khó khăn trong công tác GPMB là vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải trong việc thực hiện các dự án. Trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư...”, ông Hà Minh Hải xác nhận.

Theo ông Hải, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Ngoài ra còn có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, năm 2022, thành phố đã phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư với 110 dự án. Trong 110 dự án này, 67 dự án vướng mắc về GPMB với số vốn hơn 3.100 tỷ đồng. Trong đó dự án có số vốn lớn nhất là 170 tỷ đồng, nhỏ nhất là hơn 2 tỷ đồng. Có 23 dự án đã được bố trí vốn nhưng chưa khởi công.

“Tới đây, thành phố sẽ phân cấp cho các quận, huyện phê duyệt giá thực hiện giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh công tác này”, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nói.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ, tốc độ giải ngân thấp là điều thực sự lo lắng. Thành phố đã thành lập 6 đoàn công tác, do các phó chủ tịch làm trưởng đoàn để kiểm tra, tháo gỡ, đôn đốc.

Vẫn "vắt chân lên cổ"

Cuối tháng 4/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân năm 2022 là gần 480.000 tỷ đồng, đạt 92,6% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch. Đó là kết quả của nhiều nỗ lực, trong đó có cải cách thể chế đầu tư.

golden-abacus-with-chinese-rmb-gold-coins-as-background-compressed.jpg

Số vốn chưa phân bổ còn lớn, bằng khoảng 7,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân chủ yếu là một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư cho các dự án vừa được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021 - 2025.

Câu chuyện “vừa chạy vừa xếp hàng”, khởi công trước hoàn thiện thủ tục sau xem ra vẫn là căn bệnh “nan y”. Động thổ khởi công xong, lên báo đài xong là hết “động tĩnh”, hoặc chờ thi công hơi bị “mỏi”.

Về số vốn ngân sách thanh toán đến cuối tháng 4 đạt xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân được đồng nào. Nguyên nhân chủ yếu được các bộ, ngành... đưa ra là do có một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Cạnh đó có yếu tố khách quan như việc giá vật tư, vật liệu xây dựng
sắt thép, cát đá, xi măng... tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại.

Không khác Hà Nội, nguyên nhân được “chỉ mặt, đặt tên” vẫn do khâu tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, cơ quan trung ương; trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao. Năng lực chuyên môn của quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu không đáp ứng yêu cầu. Việc hỗ trợ GPMB còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán...

Trước tình hình này, Chính phủ đã lập 6 tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm nay tại các bộ, ngành, cơ quan trung ương chưa phân bổ kế hoạch vốn và có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước (18,48%).

Một số giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được đưa ra như việc yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm nay, chủ động tháo gỡ khó khăn. Đồng thời chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư các dự án được giao quản lý.

buildings-ho-chi-minh-city-vietnam-compressed.jpg

Năm nay, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 526.106 tỷ đồng, chưa gồm lượng vốn từ gói phục hồi kinh tế - xã hội, tức là rất lớn. Đáng tiếc, có tiền vẫn khó tiêu, như “căn bệnh” từ lâu.

Đã đến lúc phải cá thể hóa trách nhiệm, siết chặt kỷ luật đầu tư công. Chậm giải ngân phải được rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn. Có thể người có trách nhiệm, chịu trách nhiệm với “vắt chân lên cổ” để “chạy”.

“Tổng vốn đầu tư công năm nay rất lớn, trên 500.000 tỷ đồng, nếu chậm giải ngân thì ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng của năm nay cũng như các năm tiếp theo”, Phó Thủ tướng nêu rõ với lãnh đạo Hà Nội.

Thưa, không chỉ Hà Nội mà với chung cả nước nơi có dự án đầu tư công được bố trí vốn. Thời gian còn lại của năm 2022 không còn nhiều, còn đúng 4 tháng, liệu quyết tâm đến 31/12, giải ngân đạt trên 90% có dễ thực hiện?

Ngô Đức Hành