Đề xuất cho Nhật Bản nghiên cứu phát triển cảng biển tại Đà Nẵng
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:20, 04/06/2020
Cảng Liên Chiểu sau khi hình thành sẽ là cảng Logistics, đầu mối hàng hóa của khu vực. Cảng Tiên Sa sẽ dần trở thành cảng phục vụ du lịch. (Ảnh: Tàu chở khách du lịch cập Cảng Tiên Sa)
Ngày 3/6, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, vừa có công văn gửi UBND thành phố, đề xuất thống nhất chủ trương cho phép tiếp nhận dự án khảo sát thu thập số liệu nghiên cứu phát triển cảng tại Đà Nẵng do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Theo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, đơn vị đã có thư gửi JICA đề nghị hỗ trợ phát triển dự án cảng Liên Chiểu, quy hoạch khu đô thị cảng và các chương trình, dự án liên quan khác. Qua quá trình trao đổi, thảo luận, JICA đồng ý hỗ trợ thành phố Đà Nẵng triển khai dự án Khảo sát thu thập số liệu nghiên cứu dự án Phát triển cảng tại Đà Nẵng.
Cụ thể, phạm vi của dự án là rà soát, thu thập các số liệu về dự án cảng Liên Chiểu và quy hoạch phát triển cảng. Đề xuất chiến lược Quy hoạch phát triển cảng và các khu vực lân cận; Lập quy hoạch cảng giai đoạn 2025-2040; Đề xuất hướng tuyến đường nối phù hợp với Cảng Liên Chiểu và kết cấu hạ tầng đường hiện hữu. Xem xét tính khả thi của việc phân dịch hợp phần đầu tư công/tư (đưa ra phạm vi nghiên cứu tiền khả thi hợp phần kêu gọi tư nhân theo quy định của Việt Nam)...
Kinh phí thực hiện dự án là 50 triệu Yên Nhật. JICA trực tiếp lựa chọn tư vấn thực hiện nghiên cứu và quản lý, sử dụng dự án. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 7 - 11/2020.
Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết thêm, kết quả nghiên cứu là cơ sở để JICA tiếp tục xem xét, hỗ trợ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Bến cảng Liên Chiểu (Hợp phần kêu gọi đầu tư tư nhân) theo quy định của Thông tư số 09/2018/NĐ-CP ngày 18/2/2018 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các dự án, chương trình liên quan.
Dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu thuộc dự án nhóm A, công trình giao thông cấp đặc biệt ở lĩnh vực hàng hải, do Thủ tướng Chính phủ là cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án; UBND TP Đà Nẵng là cấp quyết định đầu tư dự án đồng thời là cơ quan chủ quản.
Quy mô đầu tư dự án gồm 2 phần. Cụ thể, phần cơ sở hạ tầng dùng chung được đề nghị xây dựng mới từ nguồn ngân sách nhà nước theo Luật đầu tư công. Với mục tiêu đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển 2 bến ban đầu, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở 6.000 - 8.000 TEU; đảm bảo lượng hàng thông qua từ 3,5 - 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến tiếp theo theo quy hoạch.
Tổng vốn đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung là 3.426,3 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (bố trí giai đoạn 2019 - 2025) và ngân sách địa phương (bố trí giai đoạn 2021 - 2025).
Phần xây dựng các khu bến cảng, các bãi chứa container, kho hàng tổng hợp, khu logistics, khu dịch vụ hậu cần sau cảng, mua sắm thiết bị và hình thành khu đô thị cảng, hình thức đầu tư là huy động, kêu gọi doan nghiệp đầu tư với quy mô phù hợp quy hoạch và tương ứng theo từng giai đoạn phát triển. Được triển khai song song với phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.'
Giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu từ năm 2020 - 2024.