Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV: Việt Nam với "Mục tiêu kép"
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:07, 22/06/2020
Ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch
Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV nêu, đại dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Theo đó, khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,08% do khó khăn rất lớn
trong xuất khẩu; sản xuất công nghiệp tăng 1,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và đối mặt với việc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và khó khăn thị trường đầu ra. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy sản,... sụt giảm mạnh. Khu vực dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, vận tải,... Tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm giảm 4,3%.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,3% và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%. Nhu cầu lao động sụt giảm nghiêm trọng; số lao động bị ảnh hưởng trên 5 triệu người trong đó, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ, hàng không nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc. “Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động KTXH, bảo đảm đời sống nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Vẫn có những điểm sáng
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nhờ vậy, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển
kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH sau dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 1,21% so với tháng 12/2019. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định. Lãi suất điều hành giảm 1,5%; bảo đảm thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên. Triển khai kịp thời chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Các cấp, các ngành đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tăng 12,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 2,2%, trong đó vốn đầu tư ngoài Nhà nước tăng 4,2%. Cũng theo Thủ tướng, chúng ta đã ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình hạ tầng quan trọng, hỗ trợ ngân sách Trung ương cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển KTXH và liên kết vùng. Nông nghiệp được mùa, được giá, đời sống người nông dân được cải thiện; bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo đạt mức cao.
Thực hiện "Mục tiêu kép"
Trong bối cảnh dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều. Yêu cầu đặt ra là không chỉ hóa giải các nguy cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, mà còn phải biến thành những cơ hội phát triển mới cho đất nước. “So với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng KTXH và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện; để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương; với nỗ lực phấn đấu cao, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã xin đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách Nhà nước (NSNN), bội chi NSNN, nợ công.
Để thực hiện “mục tiêu kép”, trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KTXH, trong đó xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.