Việt Nam - Điểm sáng tăng trưởng kinh tế năm 2022
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 16:23, 19/10/2022
Tại cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây (ngày 18/10), Tổng Thư ký OECD đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trong Chương trình Đông Nam Á; bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển của Việt Nam hơn 30 năm qua, đặc biệt là một trong số ít nền kinh tế có kết quả phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và triển vọng tích cực năm 2023 trong khi các nền kinh tế khác gặp nhiều khó khăn do lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực...
Tổng Thư ký ấn tượng với chủ trương, đường lối, cách thức phát triển của Việt Nam; nhận định thành quả phát triển trên cho thấy Việt Nam đã có chính sách, hướng đi đúng đắn, nhất là việc chuyển hướng từ "zero COVID" sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả.
Ông Mathias Cormann, cho rằng hợp tác Việt Nam-OECD là hợp tác hai chiều, hai bên học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm phát triển; cam kết OECD sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển và sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong phục hồi, cải cách kinh tế hướng đến các mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Tổng Thư ký cho biết OECD sẽ phối hợp chặt chẽ để Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2025 và thực hiện Chương trình hành động triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022-2026.
Trang tin của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa qua cũng có bài Việt Nam đảo ngược xu hướng tăng trưởng yếu của châu Á. Biểu đồ dự báo tăng trưởng năm 2022 cho thấy Việt Nam là nền kinh tế duy nhất đã và sẽ có tăng trưởng dương trong cả năm. Lạm phát tương đối thấp cũng là một ngoại lệ trong quy luật chung của cả khu vực.
Còn trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã bứt phá từ mức gần 2,6% vào năm 2021 lên mức dự kiến là 7,5% trong năm 2022. Trong khi đó, lạm phát trung bình cả năm có thể được kiểm soát ở mức 3,8%.
Hãng thông tấn Reuters bình: "Việt Nam, một trung tâm sản xuất trong khu vực, đã chứng kiến nền kinh tế hồi phục sau đại dịch, với tổng sản phẩm quốc nội trong quý 3 tăng 13,67% so với một năm trước".
Để đạt được mức tăng trưởng ấn tượng vừa qua, theo các báo và các tổ chức quốc tế, đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là chính sách nhanh nhạy sau đại dịch.
IMF cho rằng, ngay nửa đầu năm nay đã thấy sự chuyển dịch lớn về kinh tế khi thực hiện nới lỏng quy định về dịch, chiến lược thích ứng an toàn và tỷ lệ tiêm vaccine vượt trội. Các chính sách lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ đã mang lại sản lượng sản cao, bán lẻ và du lịch phục hồi.
Trang Bloomberg cũng đồng tình khi cho rằng gói kích thích 15 tỷ USD của Chính phủ và chính sách tiền tệ linh hoạt đã là nền tảng cho sự hồi phục. Chính chiến lược này đã giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi tình hình địa chính trị phức tạp và nhiều nước còn đóng cửa vì COVID-19.
Tờ The Diplomat có bài giải thích lý do kinh tế Việt Nam có tương lai sáng và ngày càng sáng hơn. Theo bài báo, đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế đối với kinh tế Việt Nam là điều có thể nhìn thấy trước với những người theo dõi Việt Nam từ lâu.
Trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam trở thành điểm sáng với cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường đầu tư thân thiện và thành công trong kiểm soát COVID-19, vì vậy hoàn toàn có thể kỳ vọng vào dự báo kinh tế ngày càng tích cực của Việt Nam trong những năm tới.