Bà Rịa - Vũng Tàu: Đẩy mạnh xây dựng "đô thị thông minh, chính quyền điện tử"

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 09:12, 08/11/2022

Trong tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi trong cả nước. Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là địa phương đã có các bước chuẩn bị, nắm bắt nhanh xu thế và chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Công nghệ thông tin trong hội họp và thủ tục hành chính

Bước đi tiên phong chính là UBND tỉnh đã chỉ đạo, khuyến khích triển khai hiệu quả hình thức họp trực tuyến (online) thay cho hình thức họp ngoại tuyến (offline) truyền thống trên quy mô toàn bộ hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Điều này giúp cho thông tin được truyền đi nhanh chóng, giảm việc di chuyển, tốn kém thời gian và tiền của ngân sách. Nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng nội dung cuộc họp, các chương trình tập huấn xuống đến các phòng ban cơ sở thông qua kĩ năng thao tác sử dụng mã QR code và quét mã QR code để nhận tài liệu cuộc họp. Đây là mở đầu trong việc sử dụng các tiện ích công nghệ thông tin, cuộc họp “không giấy” nhằm tiết kiệm chi phí và giảm thiểu áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên.

so-tai-nguyen-va-moi-truong-chu-dong-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-cac-hoat-dong-cua-nganh.png

Sở Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT) cùng nhiều đơn vị khác ở BRVT được ghi nhận là các đơn vị đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động của ngành. Theo đó, 100% các văn bản của ngành TN&MT đã được trao đổi trên hệ thống quản lý văn bản điều hành kết hợp chữ ký số; thực hiện chỉ đạo điều hành thông qua email và tin nhắn; quản lý tiến độ file trên phần mềm chuyên dụng. Trong đó, nổi bật nhất là xây dựng và sử dụng các phần mềm như: Hệ thống thông tin đất đai phục vụ cộng đồng thông qua Phân hệ sổ tay đất đai mobile iOS- Android (app iLand).

Đồng thời, Sở TN&MT đã triển khai ứng dụng Atlas trên nền tảng Web, đây là kênh thông tin trực quan, có thể dễ dàng truy cập mọi lúc, mọi nơi để góp phần quảng bá và giới thiệu về Bà Rịa - Vũng Tàu trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư, hòa nhập chung với sự phát triển của đất nước, khu vực và trên toàn thế giới. Đặc biệt, hai thế mạnh của tỉnh là ngành cảng - logistics và du lịch. Cùng với đó là việc cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu và đảm bảo hồ sơ đúng hạn, đúng qui trình,…

so-tai-nguyen-va-moi-truong-chu-dong-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-cac-hoat-dong-cua-nganh-3-.png

Công nghệ thông tin và tiện ích đời sống

Ứng dụng CNTT còn được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa vào tiện ích đời sống, chính là việc phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt, trước tiên ở 4 chợ: chợ Vũng Tàu, chợ phường Thắng Nhất, chợ hải sản Nguyễn Công Trứ và chợ phường 7. Kết quả, 168/542 tiểu thương tham gia gắn mã QR. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ dân thành phố thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện nước và viễn thông đã đạt 50%.

so-tai-nguyen-va-moi-truong-chu-dong-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-cac-hoat-dong-cua-nganh-2-.png

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã xây dựng thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh với 10 phân hệ chức năng, gồm: Giám sát, điều hành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Giám sát, điều hành lĩnh vực y tế; Giám sát, điều hành lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Giám sát, điều hành lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Giám sát, điều hành lĩnh vực du lịch; Hệ thống giao tiếp công dân (phản ánh hiện trường); Giám sát, điều hành lĩnh vực hành chính công; Giám sát, điều hành tình hình an ninh trật tự; Giám sát, điều hành thông tin mạng xã hội; Giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết đến thời điểm hiện tại, các hạng mục xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch, bao gồm: hạ tầng phòng điều hành, hệ thống phần mềm lõi và các lĩnh vực, hệ thống camera an ninh, hệ thống giám sát, hệ thống giao tiếp người dân; đã tổ chức hướng dẫn, bàn giao tài khoản sử dụng hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh cho lãnh đạo các sở, ngành, địa phương dùng thử và góp ý kiến làm cơ sở hoàn thiện; lắp đặt hệ thống màn hình hiển thị thông tin tại Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng UBND tỉnh. Đồng thời, Sở TT&TT thông cũng đề xuất mô hình xây dựng hệ thống quản lý điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh, địa phương thuộc tỉnh.

Việc ứng dụng CNTT giúp Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng đô thị thông minh với công nghệ tiên tiến, hiện đại và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nơi đây, thành phố trẻ luôn nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo không ngừng, luôn năng động, nhiệt huyết trong sự phát triển chung của quốc gia và thế giới.

Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đỗ Hữu Hiền cho biết, năm 2021- 2022 được xem là năm có nhiều đột phá nhất trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
Theo đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; là tỉnh thứ 8 và là tỉnh đầu tiên khai trương mạng 5G sau khi đợt dịch lần 4 được cơ bản kiểm soát. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã hỗ trợ tạo lập 9.000 tài khoản cho hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử; thử nghiệm tổng đài giải đáp dịch vụ công tự động dựa trên công nghệ AI.

so-tai-nguyen-va-moi-truong-chu-dong-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-cac-hoat-dong-cua-nganh-4-.png

Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương đầu tiên trên toàn quốc tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số trên nền tảng di động vào cổng dịch vụ công của tỉnh; đưa vào hoạt động sàn thương mại du lịch...
Với khối lượng công việc rất lớn, thuộc 5 lĩnh vực, gồm: đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn - biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, Sở TN&MT là 1 trong 7 sở, ngành, địa phương của tỉnh được ưu tiên chọn triển khai mô hình “đô thị thông minh, chính quyền điện tử”.

Hoàng Mai