Kinh tế Việt Nam phục hồi với nhiều điểm sáng
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 10:46, 17/11/2022
Kinh tế – xã hội nước ta đang đi qua giai đoạn hết sức khó khăn trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới có nhiều biến động do xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục... Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.
Bức tranh tươi sáng
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, diễn ra ngày 1-10-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu KT-XH năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH... nhờ vậy, bức tranh KT-XH nước ta ngày một tươi sáng.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển KT-XH, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, GDP quý III tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay). Có 10 địa phương có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2022 tăng trên 11%. Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội cũng đều đạt mức tăng trưởng cao, lần lượt là 9,97% và 9,69%.
Số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt trên 163 nghìn, tăng 38,6% so cùng kỳ, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui. Vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 16,2% so với cùng kỳ cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.
Kinh tế tăng trưởng trên cả 3 khu vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,63%; dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57%. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm từ 2018 – 2021; các cân đối lớn được bảo đảm...
Các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới...
Theo nhận định, thời gian đến nước ta còn không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, nổi lên là việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn còn tiềm ẩn những rủi ro. Việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; hoạt động SXKD còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm; đời sống một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn;...
Cũng tại Hội nghị trực tuyến ngày 1-10-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Trong đó, đặc biệt chú trọng việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh việc tiêm vaccine; khắc phục nhanh, bằng được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế, xử lý tốt các vấn đề tồn tại, phát sinh...
Phải kiên trì và nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên, xuyên suốt là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát tình hình, diễn biến thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, đề xuất giải pháp kịp thời, phù hợp ứng phó những diễn biến mới phát sinh. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, năng lượng, lương thực; tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung rà soát tiến độ thực hiện của các dự án để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún...
Thủ tướng cũng chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cuối năm. Theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm tiến độ, phù hợp tình hình thực tiễn. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm chất lượng. Tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, các ngân hàng yếu kém, các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả...