Nghệ An thu ngân sách ước thực hiện hơn 20.000 tỷ đồng

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 18:20, 24/11/2022

Đó là con số được lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư Nghệ An đưa ra trong phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2022.
na1.jpg
Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá góp phần không nhỏ vào kết quả thu ngân sách tỉnh Nghệ An năm 2022

Tại phiên họp, ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nghệ An trình bày báo cáo Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022. Theo ông Nguyễn Xuân Đức, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 tỉnh Nghệ An đạt được kết quả khá tích cực, toàn diện trên lĩnh vực, với 27/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.

Năm 2022, tuy bị tác động bởi nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả rất tích cực. Kinh tế - xã hội được phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực với 27/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9,05%; nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tốt. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước thực hiện 20.350 tỷ đồng, tăng 35,7% so với dự toán và bằng 101,8% so với năm 2021.

Tính đến ngày 20/11/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 3.054,305 tỷ đồng, đạt 41,03% tổng kế hoạch. Nếu không tính nguồn ngân sách Trung ương mới giao bổ sung và nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, kết quả giải ngân đạt 52,64%, trong đó nguồn ngân sách trung ương đạt 53,45%. Kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2022 đã giải ngân đạt 83,23%. Các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ như: Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn Km7 - Km76; Đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền, Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1)…

Thu hút đầu tư năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đạt kết quả rất tích cực. Tính đến ngày 15/11/2022, toàn tỉnh đã cấp mới cho 92 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 28.390,9 tỷ đồng; điều chỉnh 98 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 41.614,9 tỷ đồng, tăng 50,91% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 10/11/2022 là 935,22 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 2,490 tỷ USD, tăng 2,55% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu hàng hóa 2,168,3 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2021.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, sôi nổi, tạo sự phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tỉnh đã chủ động các giải pháp phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; tiếp tục giữ vững thành tích chất lượng giáo dục mũi nhọn, tiếp tục thuộc tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 408/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường các giải pháp về giải quyết việc làm, nhất là cho người lao động Nghệ An ở nước ngoài về nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tích cực chung tay ủng hộ người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả do mưa lũ. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhân dân tin tưởng, đồng thuận và ủng hộ.

Công tác cải cách hành chính (CCHC), quản lý nhà nước tiếp tục được quan tâm, quyết liệt chỉ đạo. Kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của Nghệ An thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt chỉ số cao nhất cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 01 bậc so với năm 2020 và là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng 15 bậc (từ thứ hạng 48/63 lên thứ hạng 35/63).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu...

Duy Ngợi