Con gái Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Tôi tự hào về tên gọi "Hiếu Dân" của mình

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 19:46, 24/11/2022

Nếu tên gọi Võ Văn Kiệt gắn với sự nghiệp cách mạng của ông thì tên gọi thân thương "Sáu Dân" có lẽ là gắn với cái tình, cái nghĩa của ông với mọi người, với nhân dân.

Sáng 23/11, tại tỉnh Vĩnh Long, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Vĩnh Long tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022).

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt là hiện thân tiêu biểu của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân. 

Trước đó, ngày 22/11/2022, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia: "Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam".

Nhân dịp này, Tạp chí Vietnam Logistics Review xin đăng lại bài trả lời phỏng vấn bà Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bài đã đăng trên VOV).

grab02f5evo_van_kiet.jpg
Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt với công nhân đường dây 500Kv. Ảnh tư liệu

PV: Thưa bà Hiếu Dân, bà được nghe kể như thế nào về tên gọi rất đặc biệt của mình ạ?

- Bà Phan Hiếu Dân
: Thời điểm mẹ tôi sinh ra tôi, ba tôi đang giữ trọng trách trong Xứ ủy Nam bộ và bối cảnh lúc đó rất khó khăn, căng thẳng. Đặt tên tôi ngoài mong đợi đón nhận đứa con ra đời, ông còn muốn gửi gắm vào tên đặt cho con mình một ý chí mạnh mẽ, tinh thần sống và chiến đấu, trung với nước hiếu với dân.

Có bao giờ Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về kỳ vọng của mình khi đặt tên con là "Hiếu Dân"?


- Ông thật ra không kỳ vọng lớn lao hay đặt mục tiêu gì lớn đối với con. Cách dạy của ông rất nhẹ nhàng và giản đơn. Đó là ông hướng con cái vào những việc làm đúng, sống đúng bằng cách lấy thực tế cuộc sống, những câu chuyện rất đời thường để con tự suy ngẫm. Ông không can thiệp vào bằng cách nói con phải làm thế này thế kia, mà bằng cách rất tế nhị ông gửi gắm những mong muốn của ông đối với con cái mình. Nhưng như vậy không có nghĩa là ông không nghiêm khắc và không hiệu quả, mà chúng tôi là con rất hiểu ý của ông.

a06ea6b8fbe922b77bf8-4543-1669109041.jpg
Bà Võ Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tại hội thảo khoa học cấp quốc gia: "Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam". Ảnh: VnExpress

Trước đó, trong quá trình hoạt động cách mạng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn bí danh "Sáu Dân". Là người gần gũi Ba nhất, đã bao giờ bà hỏi ba mình về cái tên "Sáu Dân" mà ông lựa chọn?

- Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của ông, ông có rất nhiều bí danh và bí danh Sáu Dân được ông dùng nhiều nhất. Ông có kể, chính họ Võ cũng là ông lấy họ của bà nội. Khi bà nội mất, cô Năm trước đó cũng mất sớm, gia đình còn người con gái duy nhất là cô Sáu và cô Sáu đã là người thay bà nội chăm lo cho các anh em trong nhà. Để nhớ tới cô, thương cô thì ba tôi đã lấy thứ Sáu của cô và tên Dân của con gái mình, ghép lại thành bí danh. Chứ thực ra trong gia đình ông là thứ Chín.

Và như chia sẻ của bà, Thủ tướng đã chọn tên con gái mình là
"Hiếu Dân" để bày tỏ tấm lòng trung hiếu với nhân dân. Tư tưởng lớn của Ba đã có tác động như thế nào đến bà trong công việc cũng như lựa chọn lẽ sống cho mình?

- Tôi tự hào với tên gọi của mình. Tất nhiên ông có tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của tôi và các thành viên trong gia đình. Lẽ sống của tôi cũng khá bình dị và đơn giản. Nhưng tôi luôn luôn suy nghĩ là mình sống trong gia đình mình, trong hào quang như vậy, dù muốn hay không ông cũng là một nhà lãnh đạo, nên tôi tự răn mình luôn có thái độ sống đúng đắn, tích cực. Vì vậy mà trong hoàn cảnh khó khăn nào tôi cũng mạnh mẽ, tôi xa gia đình từ lúc 8-9 tuổi và tự thích nghi, tự chủ với bản thân.

Chính vì muốn tự chủ bản thân thì mình phải luôn luôn phấn đấu, luôn luôn lao động. Vì lẽ đó tôi mới có trách nhiệm được với gia đình, với xã hội. Sự quan tâm và sẵn sàng sẻ chia với người khác trong điều kiện, khả năng có thể luôn thường trực trong tôi, trong các thành viên của gia đình. Điều này làm cho Ba tôi rất hài lòng khi chúng tôi luôn biết quan tâm đến những người xung quanh.

abc.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao tượng trưng bộ tem bưu chính đặc biệt cho tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: VGP

Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, rất nhiều hồi ức, kỷ niệm về ông được nhắc nhớ. Là con gái Thủ tướng, chắc hẳn bà Hiếu Dân cũng đầy ắp những xúc cảm như vậy?

- Đúng vậy, rất nhiều cảm xúc, nhớ thương và có một chút hối tiếc. Rất may mắn là gia đình được phép làm mới lại Khu tưởng niệm ông ở Vĩnh Long. Tất cả các cơ quan ban ngành gửi về cho gia đình rất nhiều tư liệu. Dịp này gia đình dành nhiều thời gian tập trung vào công việc nên tôi thấy mình hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về Ba tôi, hiểu được quá trình dấn thân làm cách mạng của ông trong gần 70 năm. Đó là điều mà gia đình tôi rất xúc động, đọc đến đâu xúc động đến đó. Nhất là đọc hơn hai mươi cuốn sổ tay của ông để lại thì mới hiểu ông mong muốn gì, ông chuẩn bị cho sự ra đi làm sao, ông kỳ vọng gì ở sự phát triển của đất nước, lo toan cho cuộc sống người dân thế nào…

Tôi thấy mình thật nhỏ bé và hối tiếc sao trước đây không để ý, không hiểu ông nhiều hơn. Tôi chỉ biết thầm hứa với ông sẽ tiếp tục làm một người tử tế, một doanh nghiệp tử tế, một công dân tốt, xứng đáng với những mong muốn âm thầm, lặng lẽ của ông.

Xin trân trọng cảm ơn bà Phan Hiếu Dân về cuộc trò chuyện rất ý nghĩa này!

* Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa (bí danh Sáu Dân, Chín Hòa), sinh ngày 23/11/1922 trong gia đình nông dân, ở làng Trung Lương, tổng Bình Trung, huyện Vĩnh Trị, nay là xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 17 tuổi và hoạt động cách mạng đến ngày thống nhất đất nước. Năm 1976, ông làm Chủ tịch UBND TP HCM, sau đó giữ chức Bí thư Thành uỷ TP HCM. Tháng 2/1987, ông làm Phó chủ tịch Thường trực, sau đó là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. 5 năm sau, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 1992-1997. Từ 1997 đến 2001, ông làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản VN. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.

Bảo Hân (tổng hợp)