Phát triển kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu xứng với vai trò cửa ngõ quốc tế

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 08:55, 25/11/2022

Bà Rịa – Vũng Tàu với lợi thế tài nguyên, cảng biển đã và đang phát huy vai trò, vị trí là cửa ngõ quốc tế cùng với sự dịch chuyển công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong bối cảnh mới để hiện thực mục tiêu và khát vọng về một “đất nước phồn vinh - hạnh phúc”.

Mở rộng kết nối

Là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) cùng với cảng Hải Phòng tạo thành hai cực quan trọng về phát triển cảng biển Việt Nam, góp phần hình thành hành lang kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh rồi mở rộng kết nối quốc tế.

c30s_post_68931b89-5117-e911-a97d-000d3a828c75_4412147451anh-backdrop-compressed.jpg

Với cảng biển BRVT thì cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng cảng biển, số lượt tàu thuyền và sản lượng hàng hóa thông qua. Cảng Cái Mép - Thị Vải đã được UBND tỉnh chú trọng đầu tư, xây dựng bởi những lợi thế sẵn có như gần tuyến hàng hải quốc tế và các trung tâm xuất nhập khẩu lớn; điều kiện mớn nước sâu đủ khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, không bị ảnh hưởng bởi sóng gió, cùng với khí hậu ôn hòa, có thể khai thác được quanh năm. Hiện nay, cảng đã được xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng thuận tiện; có trung tâm logistics hiện đại chuyên nghiệp, có hệ thống ngân hàng, tài chính, bảo hiểm phù hợp; thủ tục hải quan xuất nhập khẩu thuận tiện, và có đội tàu đủ mạnh để giải tỏa hàng hóa nhanh...

Cái Mép - Thị Vải cũng là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có chuyến tàu mẹ trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ và tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á, xếp vào nhóm cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới. Cụm cảng còn thu hút, liên kết được với các tập đoàn vận tải biển, tập đoàn khai thác cảng lớn trên thế giới như APMT (Đan Mạch), SSA Marine (Mỹ) và thu hút được các hãng tàu hàng đầu thế giới đưa tàu ghé cảng như: Maersk Lines, CMA- CGM, Hapag Lloyd, Cosco, YangMing...

anh-3-1552185191-width5184height2912-compressed.jpg

Hiện nay, lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại BRVT bằng tàu biển chiếm khoảng 67% với hàng tổng hợp và khoảng 80-84% đối với hàng container. Trong đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế với 43% - 45% lượng hàng cả nước.

Hiện tại, để mở rộng tính kết nối, tỉnh đang chú trọng đến việc nâng cấp các tuyến đường thuỷ nội địa kết nối Cái Mép với Đồng bằng Sông Cửu Long; quy hoạch hệ thống bến bãi gom hàng, thực hiện dịch vụ logistics trên các tuyến hành lang đường thuỷ nội địa kết nối Đồng bằng sông Cửu Long – Cái Mép và cả khu vực Tây Ninh, Bình Dương.

Để cảng Cái Mép - Thị Vải phát triển đúng với vai trò, tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã tập trung thúc đẩy tiến độ triển khai dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, BCH Đảng bộ tỉnh cũng xác định đây là 1 trong 42 dự án trọng điểm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020- 2025.

Khu Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ (dự án số 12) hiện nay UBND tỉnh đang giao Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ (theo chủ trương họp Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tại Thông báo số 495/TB- BCSĐ ngày 25/3/2022).

Tỉnh BRVT cũng đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến đường kết nối với hệ thống cảng như đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép giai đoạn 1 kết nối toàn bộ hệ thống cảng biển từ Cái Mép Hạ đến khu vực Mỹ Xuân; khởi công các tuyến kết nối nội vùng như đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân, đường Long Sơn - Cái Mép; đang đầu tư dự án thi công tuyến đường 991B kết nối hệ thống cảng Cái Mép qua Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, Khu công nghiệp Phú Mỹ III với Quốc lộ 51 và kết nối với đường vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai; và dự án cầu Phước An để kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Dịch chuyển công nghiệp hoá - hiện đại hoá

Kinh tế BRVT đang dần chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giảm dần sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Sự chuyển biến mạnh về cơ cấu kinh tế sang công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, nông nghiệp công nghiệp cao và hình thành khu công nghiệp hóa dầu. Theo thống kê, tới nay tỉnh có hơn 80 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp hóa chất và công nghiệp vật liệu.

khach-san-tai-vung-tau-23-07-2018-2-compressed.jpg

Những năm qua, kinh tế của BRVT luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Năm 2020, quy mô GRDP của tỉnh tính cả dầu khí đạt 358.504 tỷ đồng đứng thứ 3 của cả nước và thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu trừ dầu khí, quy mô GRDP đạt 186.877 tỷ đồng, đứng thứ 7 của cả nước và thứ 4 trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. GRDP bình quân đầu người của tỉnh cả dầu khí đạt 12.958 USD/người. Năm 2022, tỉnh BRVT phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 9,82% so với năm 2021.

Theo Sở Công Thương tỉnh BRVT, sản xuất công nghiệp của tỉnh có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) tăng gần 9%, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Giai đoạn 2020 – 2025, BRVT phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định tiếp tục lựa chọn các dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, không thâm dụng lao động, tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và các dự án công nghiệp hỗ trợ.

BRVT cũng sẽ tập trung quỹ đất để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 4000 ha tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ. Xây dựng đưa vào hoạt động 4 vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Triển khai kế hoạch tiếp cận nông nghiệp 4.0, nông nghiệp đô thị. Tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 gấp 1,5 lần so với hiện nay.

Hoàng Mai