Mở rộng cảng Chu Lai nâng cao năng lực Logistics khu vực

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 09:14, 28/11/2022

Tuyến luồng hàng hải qua Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn là kết cấu hạ tầng hàng hải quan trọng có tính chất quyết định đến định hướng phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai...

Tháng 3-2022, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Quảng Nam đề xuất cho phép tỉnh lập báo cáo đề xuất dự án xã hội hóa đầu tư, quản lý vận hành luồng cảng Chu Lai mới (luồng Cửa Lở) cho tàu 50.000 tấn đủ tải vận hành. Sau đó Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng, giao tỉnh chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các bộ, ngành xây dựng đề xuất dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

luong-cua-lo-1669440101046186361132.jpg
Quy hoạch chi tiết, trong đó có tuyến luồng Cửa Lở - Ảnh: Lê Trung

Ý kiến của các nhà khoa học từ hội thảo
Hội thảo khoa học lấy ý kiến về luồng cho tàu 50.000 tấn đã được UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức sáng 26-11.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay Quảng Nam là một trong những địa phương có tốc độ phát triển hàng hóa qua cảng biển thuộc loại khá trong khu vực, nhưng với luồng cảng biển hiện nay chỉ đáp ứng tàu 20.000 tấn. Điều kiện tự nhiên đối với luồng này không thể đầu tư ở mức độ lớn hơn.


Quyết định 1737 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã đồng ý đầu tư một luồng mới cho tàu 50.000 DTW (50.000 tấn) ở khu vực Cửa Lở (huyện Núi Thành).


"Hiện nay tỉnh cùng với Bộ GTVT lập quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển, muốn lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp của cơ quan, chuyên gia để tiếp thu, hoàn chỉnh cho nội dung quy hoạch, làm cơ sở để bộ phê duyệt và thực hiện đầu tư", ông Thanh nói.

Đại diện đơn vị tư vấn, ông Lê Tấn Đạt - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải - báo cáo về nghiên cứu, đề xuất đầu tư tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn. Theo đó, quy hoạch tuyến luồng này có chiều dài 6km, bề rộng 140m, cao độ đáy nạo vét -13,2m, khối lượng nạo vét hơn 20 triệu m3, xây kè chắn cát 2.090m, kè bảo vệ bờ 2.245m, báo hiệu hàng hải gồm 14 phao báo hiệu.


Tuyến luồng Cửa Lở đầu tư trực tiếp gắn với hai bến khởi động tại Tam Hòa (huyện Núi Thành) và khu phi thuế quan 774ha để hình thành một dự án đồng bộ, gắn kết hỗ trợ trong quá trình đầu tư và vận hành khai thác.

ab1(1).jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Hình thức đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư tự huy động 100% vốn doanh nghiệp thực hiện đầu tư tuyến luồng, hạ tầng khu phi thuế quan, logistics, bến cảng. Thực hiện duy tu và tổ chức quản lý, vận hành khai thác. Sau khi được Thủ tướng chấp thuận chủ chương đầu tư dự án, tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.


Về tiến độ, từ năm 2022-2023 thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, năm 2024-2025 thực hiện đầu tư xây dựng, đưa dần các hạng mục vào vận hành khai thác từ cuối năm 2025.


Theo ông, tuyến luồng hàng hải qua Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn là kết cấu hạ tầng hàng hải quan trọng có tính chất quyết định đến định hướng phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai và cảng biển Quảng Nam, sau khi hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác, dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.


Nhiều ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành cho rằng, việc quy hoạch một cảng biển phải lường trước được tương lai, vì đây là quy hoạch dài hạn.


Hiện tại đang thiết kế tuyến luồng này là với bề rộng 140m cho tàu 50.000 tấn. Nếu như trong tương lai theo xu thế phát triển của thế giới, tàu với kích thước ngày càng tăng, chúng ta có mở rộng tuyến luồng ra được nữa hay không? Trong đồ án quy hoạch nên lường trước yếu tố đó để đưa ra những thông số cho tương lai.


Việc quy hoạch cảng biển sẽ mang lại hiệu quả kinh tế của tỉnh, vấn đề mấu chốt là việc đầu tư tuyến luồng cùng với cơ sở hạ tầng. Nhà nước cần có cơ chế chính sách tốt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp để khai thác hiệu quả cao.


PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng việc quy hoạch cần có tầm nhìn xa, xem xét về trọng tải tàu trong tương lai, tính toán việc thay đổi dòng chảy và kết nối giao thông là rất quan trọng. Về phía PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Dương (Trường đại học GTVT), bà cho rằng, có ý kiến cần mô phỏng mô hình ảnh hưởng sóng do tàu chạy ở Cửa Lở để từ đó có giải pháp bảo vệ bờ cho phù hợp.


Quyết tâm của THACO


Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO cho biết: "Chúng tôi cố gắng đến năm 2025 đưa cảng 50.000 tấn và tuyến luồng mới vào hoạt động và cam kết chi phí logistics rẻ bằng hai đầu Nam - Bắc, thậm chí rẻ hơn và thời gian đi nhanh hơn".


Với sự đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nguồn "chân hàng" dồi dào, thời gian tới, cảng Chu Lai được kỳ vọng sẽ trở thành cảng container lớn nhất miền Trung, tạo động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa ra thế giới; đồng thời thu hút đầu tư, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung.


Đưa vào hoạt động năm 2012, cảng Chu Lai là công trình được đầu tư từ nhu cầu "tự thân" của công ty Cổ phần Tập đoàn THACO nhằm giải quyết bài toán về giao nhận - vận chuyển và xuất nhập khẩu khi đầu tư vào khu kinh tế mở Chu Lai. Trong bối cảnh giá dịch vụ logistics tại Quảng Nam thời điểm đó cao hơn 50%, thậm chí một số tuyến cao gấp đôi so với hai đầu Nam - Bắc, việc đầu tư cảng Chu Lai và các dịch vụ bổ trợ đã giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí. Đến nay, cảng Chu Lai đã trở thành trung tâm logistics lớn phục vụ nhu cầu giao nhận - vận chuyển, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại miền Trung, Tây Nguyên.

Những năm gần đây, các hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành từ ô tô, nông nghiệp đến cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tư xây dựng, thương mại dịch vụ của THACO ngày càng phát triển, tạo ra "chân hàng" lớn và đều đặn cho cảng Chu Lai. Bên cạnh đó, nhu cầu logistics phục vụ sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc các KCN lớn như: KCN Tam Thăng, Bắc Chu Lai, Dung Quất, VSIP, … ngày một tăng cao.

Ông Trương Hoàn Lạc - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam cho biết: "Gần đây, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Quảng Nam tăng trưởng nhanh, nhất là máy móc, linh kiện, thiết bị phục vụ cho các dự án, công trình tại miền Trung, Tây Nguyên. Dự báo lượng hàng hóa sẽ đạt trên 4 triệu tấn năm 2022 và đạt 13 - 16 triệu tấn vào năm 2030. Trước nhu cầu ngày càng lớn, cảng biển Quảng Nam, đặc biệt là cảng Chu Lai cần mở rộng quy mô, hoàn thiện hạ tầng để nâng lực năng lực logistics của khu vực".

ab.jpg
Cảng Chu Lai cần mở rộng quy mô, hoàn thiện hạ tầng để nâng lực năng lực logistics

Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay, cảng Chu Lai đầu tư xây dựng bến cảng đón tàu tải trọng đến 5 vạn tấn, bao gồm bến cảng hiện hữu và bến cảng mở rộng. Tuy nhiên tuyến luồng Kỳ Hà hiện hữu khá dài (từ phao số 0 vào cảng Chu Lai dài đến 11km) và độ sâu chưa đáp ứng yêu cầu.

Cảng Chu Lai đã triển khai toàn bộ hồ sơ, thủ tục để xây dựng bến cảng mở rộng (365m) nối tiếp với bến hiện hữu (471m), độ sâu bến là -14,7m và dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 9-2023. Bến cảng được xây dựng với kết cấu hạ tầng có thể phát triển thành bến cảng 10 vạn tấn trong tương lai.

Ngô Trần Đức Trung