Việt Nam cần thiết phải phát triển logistics đô thị
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:26, 01/12/2022
Đô thị hóa và phát triển đô thị đã trở thành động lực
Sáng ngày 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", (Nghị quyết 06).
Theo đó, đến cuối năm 2020, nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều; tỉ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41% vào tháng 6-2022.
Tăng trưởng kinh tế ở đô thị đạt trung bình 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung. Các đô thị có vai trò lớn trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Tuy vậy, có nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức để đô thị Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thực sự trở thành nơi đáng sống. Đó là vấn đề quá tải hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông; thiếu nhà ở xã hội, tác động rủi ro khí hậu như ngập lụt, hỏa hoạn. Ô nhiễm môi trường đô thị còn nhức nhối; thay đổi quy hoạch, quy hoạch treo... gây bức xúc trong xã hội.
Theo các chuyên gia Logistics, giao thông đô thị là hoạt động nằm ở trung tâm của mô hình logistics đô thị, do đó vận chuyển hàng hóa và sự di chuyển của người dân trong thành phố được coi là cốt lõi của logistics đô thị. Dễ dàng nhận ra tại Việt Nam, giao thông xe máy và kinh tế vỉa hè là nét đặc trưng của hầu hết các đô thị lớn nhỏ và là những nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng ùn tắc đường phố tại các khu vực này.
Để có các biện pháp phát triển bền vững, các nhà quản lý cần có nhận thức đúng đắn về logistics đô thị nhằm phối hợp chặt chẽ giữa hai mặt của giao thông đô thị và quy hoạch công trình thành phố.
Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong 10 năm tới, định hướng đến 2045, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới.
Cách tiếp cận phải cụ thể, sáng tạo
Làm sao để phát triển đô thị nhưng không gây áp lực về đất đai, cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Không phát triển phân tán, thiếu bền vững, khắc phục các điểm nghẽn, huy động các nguồn lực để phát triển đô thị bền vững hơn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng lực chống chịu như nghị quyết đề ra.
Để thực hiện mục tiêu của của Nghị quyết số 06, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu bám sát, tôn trọng thực tiễn, ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, tránh tình trạng dàn trải. Cụ thể, quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy và tầm nhìn chiến lược, khai thác được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt lưu ý, cần đầu tư cho công tác quy hoạch, tôn trọng quy hoạch để có một thành phố, đô thị phát triển đi vào trật tự, quy củ. Đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư; phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, phát triển đô thị có ba nội hàm chính là công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý.
Trong đó, cần nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị và quản lý phát triển. Quy hoạch có tầm nhìn xa, nhưng phải sát với tiềm năng, lợi thế của từng vùng và chỉ ra mọi hạn chế để có hướng khắc phục.
Tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở kết hợp các nguồn lực. Huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, tạo sự cộng hưởng, thực hiện nhiệm vụ chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Về xây dựng thể chế, chính sách, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải rà soát để hoàn thiện dần. Trong đó tập trung hoàn thiện các Luật đất đai, Luật điều chỉnh về quản lý phát triển đô thị, một số nghị định đang vướng mắc….
Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị bền vững, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết, đồng thời cũng là nhiệm vụ phức tạp, hết sức khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn chế. Việc đầu tư phát triển hạ tầng cần có trọng tâm, trọng điểm gắn với hiệu quả khai thác, sử dụng.
"Cần quan tâm hoàn thiện chính quyền đô thị song song với nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị, chú trọng phát triển kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội", ông nhấn mạnh.
* Tầm nhìn đến năm 2045: Tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn (Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022)