Đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển logistics giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 07:36, 06/12/2022

Tổng thống Hàn Quốc cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc cần tiến tới là đối tác tối ưu tiên về thương mại và đầu tư và cam kết hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư.

Việt Nam - Hàn Quốc nâng cấp quan hệ

Chiều 5/12, ngay sau cuộc hội đàm tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thay mặt cho Nhà nước hai nước, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính bước ngoặt, mở ra những cơ hội to lớn trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc thời gian tới.

hainhalanhdaotaibuoihopbao-1670246270224339605854.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại buổi họp báo. Nguồn: VPG

Tại cuộc gặp gỡ báo chí, thông tin về những định hướng hợp tác quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai bên vừa thống nhất, sau hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số nhiệm vụ quan trọng để triển khai Đối tác chiến lược toàn diện hai nước. Theo đó, về chính trị - đối ngoại, hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp với các hình thức đa dạng, linh hoạt; kịp thời chia sẻ, phối hợp ý kiến về quan hệ hợp tác hai nước, về tình hình khu vực và quốc tế.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mức 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc là những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư là 80 tỷ USD; tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư gắn với chuyển giao công nghệ và hướng vào các lĩnh vực điện tử, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh...

Về hợp tác phát triển (ODA), Chủ tịch nước cảm ơn Hàn Quốc đã cung cấp các khoản viện trợ, tín dụng ưu đãi mang lại những thành quả phát triển trên các vùng miền, kể cả những vùng khó khăn. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác lao động, mở rộng lĩnh vực và hình thức hợp tác lao động mới; tiếp tục hỗ trợ để người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc tại Việt Nam làm việc an toàn, thuận lợi, đồng thời tuân thủ luật pháp của hai nước.

Đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân, Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam nhất trí thúc đẩy mở rộng giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau trong các tầng lớp xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của nhau, hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam tại Hàn Quốc và 200.000 người Hàn Quốc tại Việt Nam. Hàn Quốc nhất trí hỗ trợ thành lập "Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc" và hỗ trợ Việt Nam phát triển "công nghiệp văn hóa"...

Trong hợp tác đa phương, Chủ tịch nước cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Thúc đẩy đối thoại, hợp tác và thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Việt Nam và Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển logistics

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, hiện có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Hiện nay một số địa phương như An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An, Tiền Giang, Quảng Ninh,… đang tập trung triển khai, kêu gọi thu hút đầu tư vào các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng.

logistics-4-tran-tha.jpg
Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển logistics, hỗ trợ cho xuất khẩu. Ảnh: Internet

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, các trung tâm logistics theo kiểu truyền thống đã dần chuyển đổi sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, các chính sách như Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 cũng đang được triển khai thực hiện nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics.

Các giải pháp thúc đầy ngành logistics cũng đang được thực hiện như phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi, tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics,…

Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực logistics trong bối cảnh hiện cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực logistics, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đầu quí 2/2022, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp cùng Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức buổi tọa đàm chính sách trong lĩnh vực logistics. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Hội chợ Vietnam Expo 2022 với mục tiêu tạo ra một kênh đối thoại về chính sách, chiến lược và định hướng phát triển ngành của Chính phủ và chính sách quy định của Việt Nam cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực logistics.

Theo nghiên cứu trong năm 2021 của Bộ Công Thương, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong top 10 của Chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14% - 16% trong một năm. Ngành logistics ở Việt Nam hiện nay được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ.

Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam: Dịch vụ, logistics, tài chính ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến,… tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động địa phương, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, xuất khẩu phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu.

Ngô Đức Hành (tổng hợp)