TP. Hồ Chí Minh cần giải quyết nhiều "điểm nghẽn"

Hạ tầng - Ngày đăng : 08:46, 07/12/2022

Để thực hiện được các mục tiêu kinh tế xã hội... ở TP, HCM với tầm nhìn đến năm 2045, cần giải quyết rất nhiều "điểm nghẽn", không riêng hạ tầng giao thông
anh-5-nguon-hoi-cau-duong-cang-tphcm-1128.jpg
Vùng TP. Hồ Chí Minh

“Điểm nghẽn” giao thông

Tháng 8 vừa qua, tại Hội thảo chuyên đề về Quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, quy hoạch giao thông của thành phố được phê duyệt năm 2013 đã góp phần phát triển giao thông, qua đó đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn rất lớn, không chỉ trong phạm vi ngành giao thông mà còn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội; Không chỉ riêng TP.HCM mà các khu vực và vùng đều bị ảnh hưởng.

Giao thông TP.HCM được nhìn nhận cần kết nối tốt với các vùng. Hiện, trong quá trình thực hiện giao thông cần nhiều vốn, giải phóng nhiều mặt bằng. Nếu chỉ dựa vào ngân sách trung ương, địa phương sẽ rất lâu.

Hầu như các chuyên gia đều thống nhất nhận định, việc thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của TP.HCM.

anh-6-nguon-hoi-cau-duong-cang-tphcm-1129.jpg
Sơ đồ Quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ TP.HCM

Hiện khu vực phía Nam đã hoàn thành 2/6 đường cao tốc, đang xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ chưa được nâng cấp, mở rộng đủ lộ giới theo quy hoạch. Đường Vành đai 2 vẫn chưa khép kín, chỉ hoàn thành 13,75 km/64,1km, các đường Vành đai 3, 4 chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Các tuyến metro số 1 và 2 vẫn chưa hoàn thành. Các tuyến đường sắt đô thị khác chỉ mới đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư. Tuyến BRT số 1 được triển khai đầu tư trong dự án Phát triển Giao thông xanh TPHCM, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Các tuyến còn lại chỉ mới đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư.

Bộ GTVT đánh giá, mấu chốt là giữa quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực chưa tương xứng, TPHCM đang gặp phải tình trạng nhu cầu vận tải, nhu cầu đi lại người dân đang vượt và sẽ vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống, ùn tắc giao thông không chỉ xuất hiện trong đô thị mà trên các tuyến quốc lộ, hàng không, đường biển…

Đặc biệt, TPHCM còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá, huy động nguồn lực, hành lang pháp lý còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, chưa hoàn chỉnh, thiếu tính ổn định, chưa có các chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực xã hội.

Sẽ có Nghị quyết mới với tầm nhìn 2045

Ngày 2/12 vừa qua, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

16-12-khcn-8.jpg
TP Hồ Chí Minh đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh. Ảnh Internet

Tại cuộc họp, Bộ Chính trị đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã phát huy tốt truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiện, những hạn chế, yếu kém, như: Chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển của TPHCM, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với giai đoạn trước; năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp; môi trường đầu tư chậm cải thiện, liên kết vùng chưa đạt kết quả thực chất, vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước giảm sút; chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người không đạt...  

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của TPHCM, với vai trò đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và của cả nước, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM.

Theo đó, đến năm 2030, TPHCM là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng; đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Cũng theo đó, TP.HCM cần đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng và phát triển trong giai đoạn mới. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm hạ tầng đi trước một bước. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch.

Vấn đề rất quan trọng là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thành phố, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới… được nhấn mạnh.

Yêu cầu rất lớn, nhưng rõ ràng, để thực hiện được Nghị quyết mới của Bộ Chính trị với tầm nhìn đến năm 2045, cần giải quyết rất nhiều "điểm nghẽn", không riêng hạ tầng giao thông!

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)