Bước tiến mới trong quản lý Nhà nước về dịch vụ logistics

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:11, 07/12/2022

Như tin đã đưa, từ 1/12/2022, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động ngành logistics. Và với Nghị định 96, các doanh nghiệp tin tưởng rằng ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới thông qua sự quản lý, dẫn dắt của Bộ Công Thương.

1. Quá trình phát triển của ngành dịch vụ logistics

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam hình thành và phát triển từ những năm 70 của thế kỷ 20 trên cơ sở phát triển của dịch vụ giao nhận vận tải (freight forwarding). Ngành phát triển khá muộn so với dịch vụ logistics của thế giới, tuy nhiên lại phát triển rất nhanh và vững chắc, trở thành một ngành dịch vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhờ sự quan tâm của Nhà nước, sự ủng hộ của dư luận xã hội, và đặc biệt là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành, nhất là trong những năm gần đây. Theo Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics nói chung khoảng 45.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 4.500 doanh nghiệp cung cấp cả dịch vụ logistics quốc tế và logistics nội địa. Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới 2018 về Chỉ số Năng lực hoạt động logistics (LPI), Việt Nam xếp thứ 39/160 nước, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN (chỉ sau Singapore và Thái Lan), đứng đầu trong các nền kinh tế mới nổi về hoạt động dịch vụ logistics. Và đã được Liên đoàn Giao nhận Vận tải quốc tế (FIATA) chỉ định tổ chức Đại hội thường niên của Liên đoàn vào năm 2025 (FIATA World Congress 2025) tại Hà Nội. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - sẽ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập vào năm 2023 - thực sự là đại diện cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong nước và trên trường quốc tế.

logistics3(2).jpg
Ngành dịch vụ logistics Việt Nam hình thành và phát triển từ những năm 70 của thế kỷ 20

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đã gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về dịch vụ logistics. Vì dịch vụ logistics rất rộng, liên quan đến nhiệm vụ quản lý Nhà nước của nhiều Bộ, ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý về ngành dịch vụ nói chung, trong đó có dịch vụ logistics. Bộ Giao thông vận tải quản lý về dịch vụ vận tải trong đó có việc cấp phép Vận tải đa phương thức - một dịch vụ cốt lõi của logistics. Bộ Công Thương quản lý theo “Mục 4: Dịch vụ logistics” trong Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản dưới luật như Nghị định số 163/2017/NĐ-CP Quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, có hiệu lực từ ngày 20/2/2018, thay thế Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 5 tháng 9 năm 2007 “quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc”. Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như Quyết định số 200/QĐ-TTG ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và Quyết định 221/QĐ ngày 22/2/2021: Sửa đổi bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTG ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm cấp phép thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Từ năm 2019, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) được giao thêm nhiệm vụ “giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của các bộ, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc hoàn thiện chính sách; triển khai các giải pháp phát triển, cải thiện chất lượng, nâng cao tính hiệu quả và khả năng đáp ứng của các dịch vụ logistics theo yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại và nền kinh tế”.

Điểm sáng nổi bật trong công tác quản lý Nhà nước về dịch vụ logistics là trong thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương (Cục Xuất Nhập Khẩu) đã luôn đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trong việc thực hiện các chính sách phát triển logistics, xây dựng các Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, tổ chức có kết quả các diễn đàn logistics hàng năm, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động của ngành dịch vụ logistics, kết nối hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa với hoạt động dịch vụ logistics, thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ logistics chất lượng cao. Qua đó đã góp phần tích cực vào việc phát triển nhanh chóng ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

2. Bước tiến mới trong quản lý Nhà nước về dịch vụ logistics

Một tin không thể vui hơn cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong những ngày cuối năm này là từ 1/12/2022, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động ngành logistics. Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022, quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Theo đó, ngoài nhiều chức năng quan trọng khác, Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về “thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; dịch vụ logistics; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế”. Các chức năng quản lý Nhà nước này liên quan đến hoạt động dịch vụ logistics trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế thế giới với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp phải những thách thức hết sức gay gắt.

Theo quy định tại Điểm a và b khoản 16 Điều 2 của Nghị định này, Bộ Công Thương được phân công nhiệm vụ “Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Điều phối, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội phát triển dịch vụ logistics”.

Đây là kết quả và yêu cầu cấp thiết của hoạt động thực tiễn đối với ngành dịch vụ logistics trong thời gian qua, sự kiên trì kiến nghị cần phải có một cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất về ngành logistics của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề liên quan. Với Nghị định 96, các doanh nghiệp tin tưởng rằng ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới thông qua sự quản lý, dẫn dắt của Bộ Công Thương.

3. Một số kiến nghị với Bộ Công thương liên quan đến công tác quản lý nhà nước hiện nay về dịch vụ logistics

    3.1. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra ba đột phá chiến lược, trong đó có “Hoàn thiện đồng bộ thể chế”. Vì vậy, đề nghị xem xét, nghiên cứu cần sớm tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005 để có các quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay của hoạt động logistics. Cần quy định lại về nội dung, định nghĩa về dịch vụ logistics, quy định rõ về quản lý Nhà nước về logistics và các điều khoản trong Luật cho phù hợp với tình hình thưc tế, đưa thêm các nội dung liên quan như thương mại điện tử, logistics điện tử, logistics xanh, các trung tâm dịch vụ logistics… qua đó tạo thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ logistics trong điều kiện đổi mới, sáng tạo, chuyển dổi số theo kịp với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics thế giới với các nhà cung cấp dịch vụ logistics thế hệ mới thay cho thế hệ truyền thống hiện nay, tham gia vào các nền tảng giao nhận vận tải, logistics toàn cầu đang hoạt động.

3.2. Chương trình hành động quốc gia về logistics: Bộ Công Thương đã có nhiều quan tâm hỗ trợ sự phát triển ngành logistics, đi đầu trong việc xây dựng và phát triển các chương trình hành động quốc gia về phát triển dịch vụ logistics vừa qua, nay cần có sự xem xét đánh giá và phát triển chương trình hành động cấp quốc gia giai đoạn mới với các hoàn thiện về tổ chức và nguồn lực triển khai. Trong đó chú trọng các biện pháp vĩ mô như quy hoạch tổng thể phát triển ngành (quy hoạch tích hợp) theo hướng chuyển đổi số để có thể tạo nền tảng phát triển dài hạn cho ngành dịch vụ logistics hiện đai của nước ta.

3.3. Triển khai việc xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics 2025 - 2030 trên cơ sở thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Việc xây dựng chiến lược này là rất quan trọng và cấp thiết vì cho đến nay Việt Nam chưa có chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics.

          3.4. Xây dựng chính sách phát triển hạ tầng thương mại phục vụ hoạt động dịch vụ logistics nội địa, bao gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm đấu giá hàng hóa, trung tâm logistics, kho hàng hóa, trung tâm hội chợ, triển lãm, Trong đó, đặc biệt là chính sách phát triển các Trung tâm logistics vì hiện nay các doanh nghiệp đang có nhiều yêu cầu phát triển nhưng rất khó khăn và lúng túng trước các quy định quản lý nhà nước về phát triển Trung tâm logistics khu vực và cả nước.

        3.5. Thực hiện chức năng quản lý ngành về “Điều phối, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội phát triển dịch vụ logistics”, trước hết cần hỗ trợ việc phát triển doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, nhất là chính sách gắn thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với việc phát triển thị truờng logistics và thành lập các Hiệp hội doanh nghiệp logistics của địa phương có tính kết nối khu vực, như Đồng bằng sông Cửu Long. Hiệp hội VLA sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc thực hiện nhiêm vụ này.

Nguyễn Tương