Công nghệ số tạo bước ngoặt về quản lý, điều hành, khai thác cảng biển

Công nghệ - Ngày đăng : 19:27, 07/12/2022

Quản lý, khai thác cảng biển không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều khó khăn là ứng dụng có được kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để có dữ liệu cung cấp cho toàn bộ các thành phần trong logistics tham gia hay không?
images1740972_123.jpg
Có cảng biển sau khi chuyển đổi số đã giảm được 70% nhu cầu nhân công. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng đã phối hợp cùng Công ty CP Smarthub Logistics Technology tổ chức Hội thảo “Phát triển nền tảng công nghệ vào quản lý, điều hành logistics”.

Chủ đề chính của Hội thảo là “Phát triển, đưa nền tảng công nghệ vào quản lý, điều hành logistics nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp”.

Đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng tham dự và góp ý nhiều ý kiến vào việc xây dựng, tích hợp, kết nối với hệ thống Vietnam Smarthub Logistics (VSL) - hỗ trợ doanh nghiệp kho bãi cảng hoàn thiện phương án quản lý, điều hành khai thác và nâng cao vai trò quản lý nhà nước…

Hệ thống Vietnam Smarthub Logistics (VSL) là hệ sinh thái công nghệ kết nối các thành phần trong chuỗi hoạt động logistics gồm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển, hãng tàu, ngân hàng, cảng container, cảng nội địa, doanh nghiệp dịch vụ logistics, vận tải và chia sẻ thông tin cho đơn vị quản lý nhà nước… tạo nên một trung tâm điều hành trung gian, xử lý các dịch vụ trực tuyến theo thời gian thực.

Hệ thống VSL có thể hoạt động trực tuyến tại đường dẫn www.vietnamhub.vn, dựa trên nền tảng điện toán đám mây (cloud computing), xác thực định danh từng đối tượng tham gia trong hệ thống; đồng thời phát hành chứng từ điện tử có giá trị pháp lý, đáp ứng nhu cầu số hóa và bảo mật thông tin của doanh nghiệp.

Trên nền tảng chuyển đối số dịch vụ và thanh toán không dùng tiền mặt, doanh nghiệp có thể thực hiện đa dạng các tác nghiệp trên hệ thống VSL.

Cụ thể như tác nghiệp với container rỗng, tác nghiệp đóng rút hàng tại bãi, gia hạn lưu bãi, cho phép thanh toán bằng thẻ doanh nghiệp… hiệu quả từ các tác nghiệp này là sẽ giúp cảng giải phóng nhanh hàng hóa, khách hàng chủ động lên kế hoạch lấy hàng, từ đó giảm thời gian, đi lại, chi phí vận tải...

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn có thể tiếp cận và sử dụng những tiện ích thiết thực như: dịch vụ vận tải cho các lô hàng tại cảng thông qua ứng dụng gọi xe với chi phí và thời gian hợp lý, dịch vụ bảo hiểm hàng hóa, các dịch vụ tài chính như cho vay thực hiện hợp đồng xuất khẩu, thanh toán xuất nhập khẩu… mà nhà phát triển ứng dụng VSL đang hoàn thiện các tiện ích này trên hệ thống.

Mới đây trong lần gặp Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Xuân Sang, ông Tạ Minh Vang, Nhà sáng lập ứng dụng VSL cho biết, hệ sinh thái công nghệ VSL kết nối các thành phần hoạt động logistics như cảng biển, hãng tàu, doanh nghiệp thương mại sản xuất và cơ quan Nhà nước, nhằm tạo nên một trung tâm điều hành điện tử tập trung, xử lý dịch vụ, giám sát lưu thông hàng hóa, luồng dữ liệu luân chuyển giữa các Cảng theo quy trình nghiệp vụ đặc thù.

Theo ông Vang, xuất phát từ việc giúp các cơ quan quản lý giám sát toàn bộ lượng hàng hóa đi vào Việt Nam, giám sát hàng hóa nội địa và những container rỗng đang vận hành tại Việt Nam, ứng dụng VSL ra đời để các cảng biển và các depot có thể vận hành, chuyển đổi số cho cảng biển, depot, cảng thủy nội địa của mình.

Theo đó, VSL có thể hoạt động trực tuyến, dựa trên nền tảng điện toán đám mây (cloud computing), xác thực định danh từng đối tượng tham gia trong hệ thống. Đồng thời, phát hành chứng từ điện tử có giá trị pháp lý, đáp ứng nhu cầu số hóa và bảo mật thông tin của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng có thể tiếp cận và sử dụng những tiện ích như dịch vụ vận tải cho các lô hàng tại cảng thông qua ứng dụng gọi xe với chi phí và thời gian hợp lý, dịch vụ bảo hiểm hàng hóa, các dịch vụ tài chính như cho vay thực hiện hợp đồng xuất khẩu, thanh toán XNK…

Trong khi đó, các đơn vị vận tải tham gia vào hệ thống sẽ khai thác hiệu quả hơn phương tiện vận tải vì có thể tìm được các chuyến hàng chiều về khi giao hàng đến cảng. Cụ thể, tính năng gọi xe container theo mô hình Grab/Uber giúp chủ xe có thêm chuyến về, chủ hàng cũng giảm chi phí. Việc này còn giúp hạn chế lưu lượng xe chạy không, giảm kẹt xe tại các tuyến đường huyết mạch khu vực cảng.

DN cũng có thể tác nghiệp với container rỗng, tác nghiệp đóng rút hàng tại bãi, gia hạn lưu bãi, cho phép thanh toán bằng thẻ doanh nghiệp do ngân hàng MB phát hành… thay vì phải đến tận hiện trường. Hệ thống sẽ tự động nhận diện container để có thể giúp các doanh nghiệp tra cứu nhanh tình trạng container, tra cứu trực tuyến hình ảnh và báo giá container.

Bên cạnh những tiện ích dành cho các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ứng dụng còn có hệ thống chuyên biệt cho cơ quan quản lý nhà nước. Dữ liệu được chia sẻ sẽ giúp cơ quan nhà nước nâng cao vai trò quản lý, có thông tin chính xác để thống kê hàng hóa, mật độ giao thông và đưa ra các quyết định liên quan đến quản lý xây dựng hạ tầng cảng biển.

VSL khẳng định với hệ thống này, cơ quan hải quan có thể giám sát thông tin ra vào cảng của các container ngoại, hay xem được những container ngoại nào chưa thanh lý. Với các container phế liệu có thể được đưa ra cảnh báo đỏ...

Trong khi đó, với các cảng vụ, có thể nắm được toàn bộ thông tin với một bức tranh tổng thể về hàng hóa khi các báo cáo thống kê, sản lượng hàng hóa của cảng đều hiện theo thời gian thực. Đồng thời, các loại hàng hóa xuất đi đâu, lúc nào cũng được thể hiện với phần mềm tích hợp vận tải.

Đặc biệt, liên quan tới việc khó giám sát các depot thời gian qua, hệ thống này cũng được cho rằng có thể tích hợp toàn bộ cont rỗng, cũng như dịch toàn bộ container của các hãng tàu để cơ quan quản lý dễ dàng giám sát.

Hiện nay lãnh đạo Bộ GTVT đang giao Trung tâm CNTT chủ trì, tìm hiểu chi tiết hơn về hệ thống. Trên cơ sở đánh giá, trình lại cho lãnh đạo Bộ GTVT để giao nhiệm vụ cho các đơn vị nắm thông tin. Từ đó, các đơn vị có ý kiến đóng góp cho chương trình của doanh nghiệp và đề xuất những nội dung có thể khai thác từ chương trình. Đồng thời, các đơn vị có thể đặt thêm vấn đề cho doanh nghiệp để hỗ trợ, cung cấp giải pháp nhằm phục vụ phát triển hệ thống quản lý nhà nước.

Đại diện VSL cho rằng điều khó khăn là ứng dụng có được kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để có dữ liệu cung cấp cho toàn bộ các thành phần trong logistics tham gia hay không? Bởi nếu không, sẽ không có thông tin, dữ liệu chia sẻ, hoặc thông tin dữ liệu chia sẻ không nhiều sẽ không đem lại hiệu quả cao khi tham gia ứng dụng.

* Theo VSL, hiện tại, ứng dụng đã triển khai được tại 15 cảng và trên cả nước đã tích hợp được 120 hãng tàu, 280 nhà xe với khoảng hơn 10 nghìn đầu kéo, loại bỏ toàn bộ các khâu thủ tục bằng giấy tờ để làm thủ tục trực tuyến, và thanh toán không dùng tiền mặt, tăng lượng sản xuất và tinh gọn nhân công, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi logistics. Thậm chí có cảng biển sau khi ứng dụng công nghệ này, đã giảm được 70% nhu cầu nhân công.

Thành Nam (tổng hợp)