TP.HCM cân đối nguồn vốn cho dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài
Hạ tầng - Ngày đăng : 16:03, 08/12/2022
Dự án đươc đầu tư giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT). Theo đó, nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo Hợp đồng BOT; Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn Ngân sách của TPHCM và tỉnh Tây Ninh. Dự kiến thời gian hoàn vốn 18 năm 1 tháng.
Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 khoảng 16.729 tỷ đồng, trong đó xây dựng 6.355 tỷ đồng; chi quản lý dự án, tư vấn đầu tư, chi phí khác, dự phòng phí và lãi vay trong quá trình xây dựng 2.941 tỷ đồng. Đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư do ngân sách địa phương hỗ trợ với 7.433 tỷ đồng, trong đó trên địa bàn TPHCM trên 5.900 tỷ đồng; trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trên 1.532 tỷ đồng.
Về khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND TP đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp đề xuất điều chỉnh vốn đã bố trí cho các dự án. Dự kiến điều chỉnh giảm vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các dự án để cân đối cho các dự án cấp bách.
TP cũng đang đề xuất Trung ương tăng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do đó, UBND TP nhận thấy có thể sử dụng nguồn huy động tăng thêm ngoài mức vốn trung hạn để xây dựng dự án này.
Theo thiết kế, chiều dài toàn tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài dài khoảng 53,5 km với điểm đầu giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TP.HCM) và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh). Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của Nhà nước) và chia làm hai giai đoạn.
Ở giai đoạn 1, xây dựng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Trảng Bàng (Tây Ninh) với quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 4 làn xe (đường cao tốc hạn chế). Giai đoạn 2 (giai đoạn hoàn chỉnh), xây dựng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Trảng Bàng với quy mô 8 làn xe và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 6 làn xe.
Sau khi hoàn thành, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài không chỉ giải quyết bài toán giao thông cho tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn tháo nút thắt giao thông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.