Logistics "chìa khóa" để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững

Nông nghiệp - Ngày đăng : 05:55, 09/12/2022

Để phát triển bền vững, chắc chắn ngành nông nghiệp phải đầu tư phát triển hệ thống logistics, nhằm nâng cao giá trị nông sản và là đòn bẩy xuất khẩu sang thị trường lớn.

Mục tiêu 50 tỷ trong tầm tay

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông lâm thủy sản đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021; xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ,…Đó là một số kết quả nổi bật của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian qua.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng năm 2022, mặc dù ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi,…) tăng mạnh những tháng đầu năm, khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng tăng bởi tác động kép của xung đột Nga – Ukraine,…. Tuy nhiên, ngành NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt. Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.

Tính chung 11 tháng năm 2022, nhóm nông sản chính xuất khẩu được trên 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi 361,4 triệu USD, giảm 8,4%; đầu vào sản xuất trên 2,2 tỷ USD, tăng 38,1%

Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái như càphê trên 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%); cao su trên 2,9 tỷ USD (tăng 3%); gạo trên 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%); hồ tiêu 895 triệu USD (tăng 3,2%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,2 tỷ USD (tăng 16,4%), cá tra 2,2 tỷ USD (tăn gần 62%), tôm 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%), gỗ và sản phẩm gỗ 14,6 tỷ USD (tăng 9%)...

Về thị trường xuất khẩu, các thị trường châu Á chiếm 44,7% thị phần, châu Mỹ 27, 4%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,7%.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Đứng thứ 2 là Trung Quốc khoảng 9,3 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần; thứ 3 là Nhật Bản với giá trị đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 7,9%...

Theo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc chưa bỏ hoàn toàn chính sách ”Không COVID,” đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như đồng Baht của Thái Lan mất giá hơn so với VNĐ và đồng USD, nên Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các sản phẩm của Thái Lan hơn.

Mới đây, quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sau quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa....

Đặc biệt, phát triển thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trọng nước. Phát triển hệ thống lưu thông tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống. Xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường; tăng cường hợp tác quốc tế, tháo gỡ rào cản kỹ thuật,…

Còn hơn 20 ngày nữa hết năm 2022, tuy nhiên, với mục tiêu đạt trên 50 tỷ USD hy vọng sẽ đạt.

xknlts(1).jpg
Ngành NN&PTNT Việt Nam thu được nhiều kết quả nổi bật. Ảnh: Internet

Phát triển logistics trong nông nghiệp: Còn thiếu và yếu

Logistics trong nông nghiệp được hiểu là một chuỗi các hoạt động: Lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, làm thủ tục hải quan, luân chuyển hàng hóa…, nhằm mục đích chuyển sản phẩm nông nghiệp từ nhà nông, người cung cấp đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Các chuyên gia cho rằng, logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Việt Nam do mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, nhất là so với yêu cầu của một nước sản xuất nông sản hàng đầu, khối lượng nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều lớn như ở nước ta.

Có thể thấy, những hạn chế và khó khăn của hệ thống logistisc trong nông nghiệp đã tạo nên điểm nghẽn cho đầu ra nông sản. Chính vì vậy, việc chú trọng đầu tư logistics cho nông nghiệp, tăng cường xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic cho hàng hóa nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sẽ giúp gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản của nước ta, đồng thời góp phần tăng thu nhập đối với người nông dân. Theo đó, một số đề xuất, giải pháp phát triển logistics nông nghiệp nâng cao giá trị nông sản, bao gồm:

Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống logistics nhằm đảm bảo lưu thông, nâng cao giá trị chuỗi cung ứng nông sản. Bên cạnh chủ trương chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn nữa để cùng người nông dân hình thành nên hệ sinh thái từ khâu tổ chức sản xuất, khâu chế biến, khâu thương mại tạo nên nền tảng logistics trong nông nghiệp ngày càng đầy đủ, khép kín.

Tiếp tục hoàn thiện, duy tu phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống các bến cảng lớn, cảng nước sâu đảm bảo cho tàu biển có tải lớn có thể hoạt động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các bến cảng hiện có để đảm bảo các phương tiện có thể lưu thông thuận lợi. Từ đó, rút ngắn thời gian vận tải cũng như chi phí vận tải cho hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản.

Cần có quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm bảo đảm chất lượng nông sản tươi sống, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản chủ lực, tập trung. Trong đó, chú trọng đầu tư vào chuỗi lạnh (kho lạnh, xe lạnh, container lạnh …). Cùng với đó, cần hình thành các vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu.

Có phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho hàng hóa nông sản từ khâu canh tác - thu hoạch - thu mua - vận chuyển - làm sạch - lưu trữ cho đến thông quan - xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho người nông dân.

Thay đổi tư duy làm chợ đầu mối bằng trung tâm logistics nông sản, là nơi để tập trung nguồn hàng, đầu tư thị trường, bảo đảm được chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản. Xây dựng các trung tâm chiếu xạ, trung tâm kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm… đảm bảo các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu quốc tế.

Cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ, tận dụng tốt đường sắt, phát triển logistics hàng không để phát huy sức mạnh tổng thể logistics.

Bên cạnh đó, để nâng sức cạnh tranh cho hàng nông sản nói riêng và các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Phát triển mạnh hơn nữa đội ngũ doanh nghiệp làm dịch vụ logistics. Khi đội ngũ doanh nghiệp logistics trong nước được mở rộng về số lượng và nâng cao về năng lực thì sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhiều hoạt động kinh tế nông nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay thị trường nội địa ngày càng phát triển, cửa hàng tiện lợi tăng nhanh, khiến nhu cầu vận chuyển các sản phẩm cần bảo quản lạnh như: Sữa, rau quả, thực phẩm thịt, cá, hoa tươi… cũng tăng cao. Do vậy, việc áp dụng chuỗi cung ứng lạnh vào sản xuất, kinh doanh là thật sự cần thiết. Chuỗi cung ứng lạnh sẽ giúp kiểm soát nhiệt độ như mong muốn, tăng chất lượng sản phẩm, kéo dài thời gian bày bán của thực phẩm và đảm bảo chất lượng tại các điểm bàn giao từ nhà cung cấp đến nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ… từ đó phát triển và đảm bảo tốt cho hàng hóa nông sản tiêu thụ trong nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia khuyến cáo các ngành hàng cần có biện pháp tạo kênh liên kết để kết nối giữa các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển. Các cơ quan quản lý, các bộ, ngành cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời người nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong việc tìm kiếm thị trường, tạo thêm những kênh bán hàng mới, đa dạng… đảm bảo hàng hóa nông sản được lưu thông, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)