Nhìn lại 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 19:16, 09/12/2022

Hiệp định EVFTA (được kí kết vào 30/6/2019) hay còn được gọi là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, là thỏa thuận được kí kết giữa 28 nước thành viên liên minh châu Âu và Việt Nam. Không chỉ loại bỏ hơn 99% thuế hải quan đối với hàng hóa, hiệp định còn mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam cho các công ty EU và tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.
123456.jpg
EVFTA mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Ảnh Internet.

Nhìn lại hơn 2 năm Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA

Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), xuất khẩu hàng hóa sang EU đã tăng trưởng mạnh mẽ, đi cùng với đó là số lượng những doanh nghiệp sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo EVFTA cũng tăng và cao hơn so với các hiệp định khác mà chúng ta đã ký kết.

Các lô hàng xuất khẩu đi EU được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA đang chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU. Đây là một con số khá tích cực, trong 2 năm qua.

Về thị trường, hàng xuất khẩu đi EU chủ yếu được cấp C/O đến những thị trường có cảng biển hoặc là các trung tâm phân phối của Châu Âu, ví dụ như Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp... Còn mặt hàng, hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản... Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA là 18,7 tỷ USD. Con số 20% tỷ lệ kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp C/O mẫu EUR.1 thể hiện rằng EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng.

Con số 20% kim ngạch hàng hóa được cấp C/O mẫu EUR.1 không có nghĩa là 80% kim ngạch còn lại đang phải chịu thuế cao. Bởi có những dòng thuế trong WTO đã bằng 0, không cần phải có giấy chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu đi EU có thể có một lựa chọn khác là hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ thuế quan phổ cập GSP của EU dành cho các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tự chứng nhận xuất xứ cho những lô hàng mà có kim ngạch trị giá từ 6000 euro trở xuống.

Con số 20% chỉ là con số chung về tỷ lệ kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA và tỷ lệ này sẽ khác nhau ở từng thị trường cụ thể hoặc từng mặt hàng cụ thể. Đơn cử, hàng xuất khẩu sang thị trường Luxembourg thì tỷ lệ này là 77%, sang thị trường Bỉ khoảng 50%. Đối với từng mặt hàng, da giày tỷ lệ trên 90% và thủy sản là trên 77%.

Trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU chỉ chiếm vào khoảng 22 - 23% và sau khi hiệp định có hiệu lực, tỷ trọng này đã nâng lên là 26%. Đặc biệt là trong 2 năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, song nhờ Hiệp định EVFTA, ngành da giày vẫn duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU. 9 tháng năm 2022, mức độ tăng trưởng của giày dép tại thị trường EVFTA khá tốt, tăng ở mức 15-20%.

Những lưu ý khi tiếp cận EVETA


Mặc dù vậy, do mới thực hiện triển khai, một số doanh nghiệp chưa được tiếp cận, nên nhiều khi cũng không đáp ứng được các quy định. Với những doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào thị trường xuất khẩu thì cần phải nắm bắt các quy định, thủ tục về chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi theo các cam kết của EVFTA.

02b_trung_c___nh_460a2.jpg
Tọa đàm “Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 9/12. Ảnh: Bộ Công Thương.

0Cụ thể, trong lĩnh vực hải quan, một số quy định như: Xác định xem trường hợp hàng hóa, như hàng hóa nhập khẩu có thuộc trường hợp, đối tượng cần phải nộp chứng từ cho hải quan hay không. Để được áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp cần phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ này cho hàng hóa nhập khẩu. Hàng hóa xuất khẩu không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ hải quan, tuy nhiên cần xin C/O theo quy định được cấp bởi cơ quan thẩm quyền để có thể gửi cho người nhập khẩu nếu muốn được áp dụng cho khi xuất khẩu đến EU để được áp dụng ưu đãi đặc biệt. Ngoài ra, thông tin về xuất xứ hàng hóa là thông tin bắt buộc khai báo trên tờ khai xuất khẩu.

Trong EVFTA hiện tại đang tạo ra thuận lợi nhất về thời điểm nộp, doanh nghiệp có thể nộp tối đa trong thời gian không quá 2 năm kể từ ngày đăng kí tờ khai nhập khẩu. Bên cạnh đó doanh nghiệp khi nộp chứng từ này cho hải quan cần phải tìm hiểu kĩ quy định của EU và quy định Việt Nam.

Về điểm mới trong việc sử dụng chứng nhận xuất xứ, lưu ý rằng, từ ngày 01/01/2023, cơ chế chứng nhận xuất xứ đối với hàng đi EU sẽ theo quy định và theo cơ chế chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA, cụ thể là đối với những lô hàng có trị giá từ 6000 euro trở xuống thì doanh nghiệp sẽ thực hiện tự chứng nhận xuất xứ đối với những lô hàng đó, không cần phải có văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, được phép tự chứng nhận xuất xứ cũng không cần phải có những mã số tương tự như là mã số REX về đăng ký tự chứng nhận xuất xứ của EU…

Còn đối với những lô hàng trên 6000 euro thì doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EUR.1 một trong khuôn khổ EVFTA đối với các lô hàng xuất khẩu đi EU.

Không phải cứ hàng từ 6000 euro trở xuống thì bắt buộc phải tự chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp hoàn toàn có quyền, trong trường hợp nếu như doanh nghiệp vẫn muốn có chứng từ C/O EUR.1 thì doanh nghiệp vẫn nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với những lô hàng dưới 6000 trở xuống, tương tự như hồ sơ mà đề nghị cấp đối với lô hàng trên 6000 euro. Theo các chuyên gia, khi hàng hóa có giấy chứng nhận xuất xứ hay là có những chứng từ tự chứng nhận xuất xứ thì không phải tại thời điểm nộp các chứng từ đó cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu là xong, mà sau đó còn liên quan đến kiểm tra sau thông quan của bên hải quan nước nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý về việc có hệ thống lưu trữ chứng từ, hồ sơ cẩn thận để đề phòng trường hợp sau này nếu như có xác minh xuất xứ, hậu kiểm thì chúng ta hoàn toàn có đầy đủ khả năng để chứng minh xuất xứ cho những lô hàng đã xuất khẩu cach đây một năm, hai năm. Những ưu đãi thuế quan sẽ vẫn được giữ trong khuôn khổ EVFTA đối với những lô hàng mà bị xác minh xuất xứ như vậy.

Hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa để tạo hành lang pháp lý và có những quy định cụ thể, minh bạch liên quan đến vấn đề này và trong đó thì những chế tài xử phạt cũng đang rất được chú trọng. Bên cạnh đó, Cục đang nỗ lực và tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan cũng như là Tổng cục Hải quan và Hiệp hội ngành hàng để có những cuộc tập huấn, đào tạo kịp thời, nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng được đúng những quy định khắt khe của EU.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục phối hợp và chủ động phối hợp với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu để trong trường hợp nếu như có đề nghị xác minh xuất xứ, sẽ đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp chứng minh hàng hóa có xuất xứ trong trường hợp đúng là hàng hóa đó đáp ứng theo quy định của EVFTA.

Hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu đang tích cực phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham vấn và đề xuất đưa ra được quy tắc xuất xứ nó phù hợp với thực tế của doanh nghiệp cũng như là quy trình sản xuất hiện nay tại Việt Nam.

article-1-.jpg
Các hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư tiêu chuẩn cao trở thành một xu hướng đáng chú ý trong khu vực, trên thế giới và đồng thời là một ưu tiên chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam _đồ họa: Vũ Trung Duy

* Sáng nay, (9/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ từ ngày 9-16/12 theo lời mời của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.

* "Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế. Tập trung hỗ trợ các ngành, địa phương và doanh nghiệp khai thác hiệu quả các thị trường quốc tế, tiếp cận các nguồn vốn gắn với công nghệ cao, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, sản xuất khu vực và toàn cầu", (Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đếnnăm 2030).

Bảo Hân (tổng hợp)