Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp châu Âu mở nhiều tuyến bay đến Việt Nam để phát triển logistics
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 12:42, 11/12/2022
Thủ tướng tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn của châu Âu
Trong chương trình chuyến thăm chính thức Luxembourg, sau khi dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Luxembourg, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các Công ty B-Medical Systems, Paul Wurth, CargoLux.
Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp này đang gặp phải trong quá trình hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
SMS (1871) là tập đoàn lớn của Luxembourg cung cấp công nghệ luyện kim trên phạm vi toàn cầu. Năm 2021, Tập đoàn ghi nhận doanh thu khoảng 2,6 tỷ EUR. Paul Wurth (1870) là một công ty thành viên thuộc SMS về cung cấp dịch vụ và công nghệ cao, hiện đại về thiết kế, chế tạo và lắp đặt các thiết bị và nhà máy luyện gang thép.
Tập đoàn đang có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong việc tìm kiếm nhà cung ứng thép trong nước và hỗ trợ tăng cường năng lực tự động hóa điện tử trong ngành thép.
Tại buổi tiếp, Công ty báo cáo kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh trong ngành gang thép theo định hướng phát triển xanh, sạch và thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thủ tướng đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh thành công, có hiệu quả của SMS/Paul Wurth trên thế giới và hoan nghênh đề xuất, kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đề nghị doanh nghiệp này phát triển theo hướng giảm thiểu tác động môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, sạch, góp phần thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam đến năm 2050. Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết thêm, Việt Nam sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.
B-Medical Systems (1979) là tập đoàn lớn của Bỉ về công nghệ y tế, dược phẩm. Tập đoàn hoạt động trên toàn cầu, nhưng mạnh nhất tại khu vực Nam Á. Năm 2021, Tập đoàn có khoảng 3.400 nhân viên và đạt mức doanh thu hơn 555 triệu USD.
Trong 10 năm qua, B-Medical đã lắp đặt hơn 4.000 kho lạnh vaccine tại Việt Nam. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, B-Medical đã hỗ trợ đảm bảo vận chuyển, bảo quản vaccine an toàn, kịp thời tại Việt Nam với hơn 174 tủ bảo quản vaccine sản xuất bởi B-Medical đã được sử dụng tại TPHCM.
Lãnh đạo tập đoàn B-Medical đề xuất tăng cường hợp tác với Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hỗ trợ Việt Nam về thiết bị kho lạnh trong công tác chuẩn bị, ứng phó với dịch bệnh trong tương lại.
Thủ tướng cho biết Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, nhiều dịch bệnh, nên hoan nghênh các ý tưởng hợp tác của B-Medical cũng như các hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine, phát triển công nghiệp dược, Việt Nam có các chính sách ưu đãi nhà đầu tư lĩnh vực này. Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nếu có vướng mắc, có thể phản ánh lên các cơ quan chức năng và Thủ tướng Chính phủ.
Cargolux (1970) là tập đoàn của Luxembourg về vận tải hàng không và là một trong những hãng hàng không vận chuyển hàng hóa lớn nhất châu Âu. Cargolux có đội bay gồm 30 tàu bay hạng nặng kết nối đường dài hơn 90 địa điểm trên toàn cầu. Năm 2021, tập đoàn đạt doanh thu 4,4 tỷ USD.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tập đoàn báo cáo thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, giải quyết vấn đề vướng mắc liên quan quy định kỹ thuật vận hành máy bay hạng nặng tại sân bay Tân Sơn Nhất…
Thủ tướng hoan nghênh việc mở nhiều tuyến bay đến Việt Nam để phát triển logistics, đây là ngành đang có nhu cầu lớn trong bối cảnh Việt Nam mở rộng giao lưu thương mại với thế giới. Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan tích cực xem xét, giải quyết các vấn đề được đề cập. Trong đó, vấn đề quá tải đường băng tại Tân Sơn Nhất đã được chỉ đạo giải quyết và đang được tích cực triển khai.
Hợp tác chuyển đổi năng lượng
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm, làm việc tại Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Thủ tướng cho biết Việt Nam đang rất cần nguồn lực, nhất là tài chính để triển khai 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng). Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả.
Trong quá trình phát triển, Việt Nam xác định lấy nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa) là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên, trong đó có nguồn vốn từ nhà đầu tư (trực tiếp và gián tiếp), viện trợ, vốn vay. Tuy nhiên, việc vay vốn phải phù hợp với xu thế phát triển.
Thủ tướng mong muốn hai bên tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, với quy mô lớn hơn và thời gian dài hơn, các dự án nhiều hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của EIB và Việt Nam có nhu cầu như chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, hạ tầng chiến lược, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị hai bên phải đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác tài chính mới thay thế thỏa thuận ký kết năm 1997, phù hợp với tình hình hiện nay.
Đồng thời rà soát, phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với các dự án đang triển khai, trong đó có dự án thủy điện Nậm Pung trong khung khổ Hiệp định hạn mức tín dụng môi trường năm 2009, tiếp tục thúc đẩy các dự án Metro 03 Hà Nội và Metro 02 Thành phố Hồ Chí Minh.
Với các dự án sắp tới, Thủ tướng đề nghị EIB tiếp cận theo tinh thần Chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP, trong đó, các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các nước bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu và nước biển dâng) mà Việt Nam đang đàm phán với các nước G7, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về giảm phát thải, phù hợp với thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nên cần các điều kiện vay ưu đãi hơn như về lãi suất để đảm bảo nguyên tắc công bằng, công lý.
Thủ tướng lấy ví dụ, các dự án chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam phải có giá ở mức mà người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế chịu đựng được, không thể ở mức cao như với các nước có thu nhập bình quân đầu người lên tới 50.000-60.000 USD.
"Việt Nam là một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ 4.000 USD mà phải làm như một nước có thu nhập hàng chục nghìn USD, một nước đang phát triển mà phải làm như một nước phát triển thì phải có ưu đãi; quan điểm của chúng tôi về công bằng, công lý là như vậy", Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên cùng nghiên cứu đổi mới các thủ tục triển khai dự án theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, chống tiêu cực. Thủ tướng tin tưởng rằng với sự đồng nhất cao về ưu tiên của hai bên, EIB và Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác tài chính hiệu quả, hai bên cùng có lợi.
Phó Chủ tịch EIB Kris Peeters nhấn mạnh EIB sẵn sàng tăng cường hơn nữa mối quan hệ và hợp tác với Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm hiện có trong việc tài trợ cho các dự án giao thông bền vững như tuyến tàu điện ngầm Hà Nội và đồng tài trợ cho các dự án góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Đánh giá cao những thông điệp rõ ràng, cụ thể của Thủ tướng, phía EIB cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phía Việt Nam và EU để tích cực triển khai các đề xuất hợp tác mà Thủ tướng đề cập, tin tưởng vào triển vọng hợp tác tốt đẹp hơn nữa giữa hai bên trong tương lai, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh, sạch, bền vững trên thế giới và ở Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EIB, mở đường cho việc tăng cường đóng góp của EIB vào sản xuất điện bền vững, thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư điện tại Việt Nam và tăng cường quan hệ đối tác trong các lĩnh vực sản xuất, lưu trữ điện, truyền tải, phân phối và bán hàng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng khử carbon.