Bà Rịa - Vũng Tàu tận dụng cơ hội, đưa công nghiệp phát triển bền vững

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 20:56, 12/12/2022

Ngày 12/12, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội thảo Phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
hoithao1.jpg
Quang cảnh Hội thảo (ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh trong giai đoạn sắp đến, cùng với đà phục hồi phát triển của cả nước và các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tạo ra nhiều lợi thế, nhiều cơ hội mới cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển.

Với không gian phát triển rộng lớn và đồng bộ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững, trọng tâm tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh.

Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng tập trung phát triển mạnh một số ngành công nghiệp: cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu; công nghiệp năng lượng, công nghiệp vật liệu, công nghiệp dược, thiết bị y tế; công nghiệp môi trường...

“Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm về hạ tầng liên kết vùng, thúc đẩy cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh tiếp tục song hành với DN, nhà đầu tư đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế cũng như nỗ lực vượt qua thách thức, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển một cách bền vững”, ông Nguyễn Công Vinh nhấn mạnh.

hoithao2.jpg
Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển bền vững

Tại hội thảo, các đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có nhiều tham luận, ý kiến đóng góp xoay quanh các nội dung như: đánh giá triển vọng phát triển công nghiệp của BRVT và khu vực phía Nam; đề xuất các hoạt động liên kết vùng trong thu hút đầu tư nước ngoài; định hướng phát triển công nghiệp của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tham luận tại hội thảo, bà Trần Thị Hải Yến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam khẳng định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng phát triển năng động và có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước. Đây là vùng kinh tế có khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.

Tính đến tháng 11/2022 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã thu hút 19.835 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng mức đầu tư trên 192 tỷ USD. Tuy nhiên, các địa phương vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Bà Trần Thị Hải Yến nhấn mạnh liên kết vùng luôn được coi là một công cụ hữu hiệu nhằm phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, lợi thế của vùng, đặc biệt là nền tảng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Để đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng trong thu hút đầu tư nước ngoài, bà Yến cũng lưu ý các tỉnh là liên kết vùng trong hoạch định chính sách hỗ trợ, ưu đãi đồng bộ để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; hướng dẫn, thông tin và tư vấn cho các nhà đầu tư lựa chọn mục tiêu và lĩnh vực đầu tư.

Trình bày tham luận tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Kim, Giám đốc bán hàng và marketing KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho biết, KCN có vị trí chiến lược trong chuỗi giá trị logistics do nằm sát cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải. KCN này cũng có hành lang tuyến ống khí; khả năng cung cấp nguồn nước sạch công suất lớn. Do vậy, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 vừa đa dạng hóa hệ sinh thái dịch vụ, tiện ích, vừa cung cấp các dịch vụ logistics đa phương thức, trọn gói cho khách hàng trong KCN, cũng như cho cả khu vực. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2022, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã thu hút 36 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 60 ngàn tỷ đồng.

Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Toshito Kazama, Chuyên gia Cố vấn Văn phòng Japan Desk BRVT, đại diện tổ chức JETRO cho biết niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng vẫn không ngừng tăng.

Hai năm qua, bất chấp các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng. Để đạt được kết quả đó, là nhờ chính sách thương mại tự do, sự tích cực trong thu hút đầu tư và ý định cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Kết quả khảo sát gần đây của JETRO cho thấy có tới 55% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1 đến 2 năm tới, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam cũng là thị trường ưa chuộng xếp thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) cho việc mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tuệ Minh