Thách thức của hệ thống cảng biển Việt Nam trong quá trình hội nhập
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 19:18, 13/12/2022
Cảng biển Việt Nam từng bước hiện đại
Trong những năm qua, hạ tầng ngành hàng hải, đặc biệt là hạ tầng cảng biển có một vai trò rất quan trọng vừa mang tính chất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế đất nước vừa tạo động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng như cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; cảng biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung; cảng biển TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ; cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long…
Các cảng và khu vực cảng biển ở đây đã và đang thực hiện vai trò cảng cửa ngõ quốc tế và đảm nhận chức năng trung chuyển. Năm 2020, hệ thống CBVN đã thông qua 692,2 triệu tấn (gấp khoảng 8,4 lần so với sản lượng thông qua năm 2000) và vượt 1,7% so với dự báo nhu cầu cho năm 2020 (640-680 triệu tấn theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ). Hàng năm, cảng biển Việt Nam góp phần thông qua toàn bộ lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, chiếm đến trên 90% tổng nhu cầu xuất nhập khẩu của cả nước, cảng có vai trò quan trọng trong việc lưu thông, trao đổi hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế.
11 tháng năm 2022 hàng xuất khẩu đạt hơn 163 triệu tấn, do nhiều nguyên nhân có giảm 3% với cùng kỳ năm 2021. Hàng nhập khẩu cũng giảm 3%, ước đạt hơn 191 triệu tấn. Đối với mặt hàng nội địa, có xu hướng tăng nhẹ, ước đạt hơn 314 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 23 triệu TEUs, tăng 5% so với năm 2021.
Tạp chí hàng hải Lloyd’s List (Vương quốc Anh) cách đây không lâu đưa ra bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam có 3 cảng ở trong danh sách này, bao gồm Hải Phòng, TPHCM và Cái Mép. Đây đều là những cảng biển cũng được Lloy’s List đánh giá có tốc độ tăng trưởng tốt.
Việt Nam cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư là các nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển cảng biển tại Việt Nam như Tập đoàn DP World, UAE, Tập đoàn SSA Marine, Mỹ, Tập đoàn PSA, Singapore, Tập đoàn APMT, Đan Mạch, Tập đoàn Hutchison Port Holding, Hong Kong (Trung Quốc)…
Với việc cải thiện chất lượng dịch vụ cảng biển và nhu cầu vận tải biển của Việt Nam ngày cảng lớn đã thu hút các hãng tàu mở tuyến từ Việt Nam kết nối với các quốc gia khác trên thế giới. Khu bến lạch Huyện của Việt Nam đã tiếp nhận tàu trọng tải đến 132.000DWT, khu bến Cái Mép Thị Vải đã tiếp nhận tàu trọng tải đến 214.000 DWT tương đương sức chở trên 18.000 TEU. Từ khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải hàng tuần với tổng cộng gần 40 tuyến tàu, trong đó 18 tuyến vận tải đi châu Âu, châu Mỹ, 10 tuyến nội Á, đưa Việt Nam dần trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi hải trình toàn cầu.
Năng lực hạ tầng cảng biển được đầu tư thời gian qua với phương châm đi trước một bước, cũng góp phần tạo thế chủ động cho Việt Nam ứng phó với các vấn đề kinh tế toàn cầu như dịch bệnh COVID-19, những biến động địa chính trị giữa Nga - Ucraina, dịch chuyển làn sóng đầu tư thu hút mạnh mẽ dòng đầu tư nước ngoài và góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam có tiềm năng lớn để xây dựng các tổ hợp cảng công nghiệp-dịch vụ lớn
Do vị trí quan trọng của hệ thống CBVN nên trong chương trình chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, ngày 13/12 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc, tìm hiểu về cảng Rotterdam - cảng lớn nhất châu Âu, được xem là cửa ngõ của châu Âu và là một trong những cảng bận rộn nhất thế giới.
Đại diện cảng Rotterdam cho biết, cảng có mô hình chính quyền cảng biển hiệu quả, với các yếu tố: Cảng thông minh (Smart port), Cảng an toàn (Safe port), Cảng bền vững môi trường (Sustainable port) và Cảng tiếp cận kết nối (Accessible port).
Cảng Rotterdam được quản lý bởi công ty công, nhưng có sự tham gia của các công ty tư nhân vừa để phát triển hạ tầng, vừa quản trị các hạng mục khác nhau. Cảng áp dụng cơ chế "Landlord port" - sự phối kết hợp giữa hoạt động cảng và khu vực đất hậu cần phía sau cảng để cho tư nhân khai thác tạo ra công ăn việc làm và nâng cao năng lực hoạt động của cảng. Ưu điểm của mô hình quản lý này là công ty công chia sẻ được gánh nặng tài chính đầu tư, quản lý với các công ty tư. Sự kết hợp khéo léo của mô hình công tư đã mang lại hiệu quả cao nhất cho quốc gia.
Khu vực cảng cũng là một trung tâm công nghiệp lớn với các nhà máy lọc dầu, hoá chất, khí đốt… Tính chung, khu vực cảng tạo việc làm cho khoảng nửa triệu người và đóng góp khoảng 8% GDP của Hà Lan. Cảng Rotterdam cũng đang thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số để sử dụng trong vận hành cảng và cả trong vận tải biển.
Nhìn rộng hơn, hệ thống giao thông phát triển là một trong những điều kiện tiên quyết giúp Hà Lan trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường biển và logistics. Trong đó, với hệ thống giao thông hiện đại kết nối đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không thuận tiện đến các thành phố châu Âu khác, Rotterdam đã thành công khi phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn như năng lượng, hậu cần, công nghệ cao, hóa chất, khoa học đời sống và y tế, nông sản…
Sau khi lắng nghe giới thiệu về lịch sử, mô hình phát triển cảng Rotterdam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt 2 câu hỏi với đại diện cảng: Thứ nhất, Việt Nam có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế được không? Thứ hai, cảng Rotterdam có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng trung chuyển quốc tế không?
Đại diện cảng Rotterdam khẳng định, Việt Nam có tiềm năng lớn để xây dựng các tổ hợp cảng công nghiệp-dịch vụ lớn và phía cảng Rotterdam sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng cảng trung chuyển cũng có những rủi ro nhất định do cạnh tranh rất cao, nên cần được tính toán rất kỹ lưỡng.
Thủ tướng cho biết sẽ giao Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, phối hợp, trao đổi với phía các đối tác phía Hà Lan để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, cùng có lợi. Thủ tướng đề nghị phía cảng Rotterdam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tiềm năng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam và khả năng cạnh tranh với các cảng trung chuyển quốc tế khác trong khu vực.
Cảng Rotterdam ủng hộ nhiệt tình đối với Việt Nam và các thành phố cảng Việt Nam như Đà Nẵng, TPHCM; thể hiện sự đánh giá cao của cảng Rotterdam đối với tiềm năng của các thành phố và hệ thống cảng của Việt Nam, minh chứng cho vai trò, sự đóng góp và cam kết của Việt Nam trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề về môi trường và kinh tế biển toàn cầu.
Thách thức của hệ thống CBVN hiện nay là sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với quy hoạch xây dựng của địa phương và các ngành khác; hạ tầng chưa đáp ứng kịp nhu cầu hết nối ngày càng cao của thị trường hàng hải khu vực và thế giới; thiếu các cảng biển hiện đại có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn; trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, năng suất thấp…