Bà Rịa – Vũng Tàu: Nơi hợp điểm “thiên thời, địa lợi & nhân hòa”
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 18:01, 19/12/2022
So với những vùng khác ở Nam bộ, vùng đất BRVT xưa là địa bàn cư dân đến cư ngụ sớm hơn. Cuối thế kỷ XVI, những nhóm người Kinh từ miền Trung đã thiên cư vào lập nghiệp ở xứ này, cùng với người dân bản địa dân tộc Châu Ro làm ăn sinh sống.
Hơn 300 năm trước, BRVT đã có nhiều đợt dân cư người Kinh vào khai phá. Sự có mặt của người Kinh được ghi nhận vào khoảng đầu thế kỷ XV. Bà Rịa thời đó gọi là xứ Mô Xoài, là vùng đất địa đầu mà người Kinh vượt biển vào khai phá, lập nghiệp sớm hơn so với những nơi khác ở Nam bộ. Từ đó nhiều lớp cư dân người Kinh từ các xứ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã đi bằng đường biển vào đây lập nghiệp ở ven sông, ven biển và trở thành chủ nhân mới của vùng đất này.
Để bảo vệ cửa biển Vũng Tàu, cuối thế kỷ 18 chúa Nguyễn cho lập Phong hỏa đài ở núi Ngọa Ngưu. Đồng thời nhà vua phái vào đây ba đạo quân cùng với vợ con của lính trấn giữ và thành lập các làng Thắng Nhất, Thắng Tam, Thắng Nhì. Dân Bến Đình, Bến Đá không chỉ là thương nhân, ngư dân mà dân tứ xứ tụ hội về: những người trốn sưu, chống thuế; nghĩa quân của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp khi thất thế, sa cơ…
Ngay từ khi mới xâm lược nước ta (1858), thực dân Pháp đã ý thức được tầm quan trọng của bán đảo Vũng Tàu về mặt quân sự, kinh tế đối với Sài Gòn và cả Nam Kỳ, sớm xây dựng Vũng Tàu thành một căn cứ quân sự bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn, một khu nghỉ mát dưỡng sức cho bộ phận quan lại trong bộ máy cai trị Nam Kỳ.
Trước khi thực dân tư bản Pháp đến khai khẩn lập đồn điền, vùng đất Đông và Tây Liên tỉnh lộ số 2 còn là rừng rậm bao phủ dày đặc, nguồn cư dân bản địa lúc đó hầu hết là đồng bào dân tộc ít người, đa số là dân tộc Châu Ro, Mạ... Cuộc sống dân bản địa lúc đó gắn với nhiều truyền thuyết và gợi lại cuộc sống hoang mộc thời xa xưa của đồng bào các dân tộc; và cuộc sống lúc đó của các tộc người Châu Ro còn sơ khai, với những phong tục tập quán và cuộc sống du canh, du cư chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, trồng lúa nước và săn bắn, hái lượm.
Từ một cư dân bản địa, đến nay nhiều dân tộc anh em khác đến cùng chung sống. Trong lịch sử, ở BRVT đã diễn ra nhiều cuộc “Nam tiến”, khá đông dân cư từ miền Bắc và miền Trung vào khai phá lập nghiệp làm ăn sinh sống ở đây, hình thành nên “cộng đồng dân cư” BRVT.
Theo Cổng Thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay BRVT có 7 đơn vị hành chính nằm trên đất liền và một đơn vị hành chính hải đảo là huyện Côn Đảo. Diện tích, 1.989,46 km2; Thềm lục địa rộng trên 100.000 km2; Dân số: 1.148.313 người (Điều tra dân số năm 2019), trong đó dân số thành thị chiếm 50,52% dân số toàn tỉnh.
Trong 3 thập niên qua (1991 – 2021), Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân BRVT đã tận dụng tốt các tiềm năng và lợi thế hiếm có của mình, luôn duy trì mức tăng trưởng cao so với bình quân cả nước, trong đó có nhiều năm liên tiếp tăng trưởng hai con số.
Đến nay, quy mô kinh tế của tỉnh BRVT đứng thứ tư trong 63 tỉnh, thành của cả nước. GRDP bình quân đầu người luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu, đạt gần 300 triệu đồng, tăng gần 30 lần so với thời điểm thành lập tỉnh cách đây 30 năm. Mỗi năm BRVT đóng góp gần 5% tổng thu ngân sách nhà nước và là một trong 5 tỉnh, thành phố có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương.
Cơ cấu kinh tế của BRVT có sự chuyển dịch tích cực; sức cạnh tranh của ngành công nghiệp thuộc nhóm hàng đầu cả nước; mô hình công nghiệp hóa chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động sang sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại với năng suất và giá trị gia tăng cao. Các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải biển, logistics phát triển mạnh mẽ; du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỷ lệ đô thị hóa của BRVT đạt hơn 60% so với trung bình 40% của cả nước. Thu nhập tăng nhanh, đời sống tinh thần và vật chất của người dân không ngừng được cải thiện và đạt ở mức cao.
Hiện nay, BRVT đang tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; lãnh đạo toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực với nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; tiếp tục phát huy tốt những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của một tỉnh nằm ở trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó tập trung phát triển mạnh về công nghiệp chế biến, chế tạo; phát huy lợi thế là 1 trong 2 cảng biển nước sâu của quốc gia, nhất là hệ thống cảng biển đặc biệt Cái Mép - Thị Vải, nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; phát triển mạnh du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, tạo động lực tăng trưởng mới.
Về nhu cầu tuyển dụng lao động Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh BRVT cho biết, các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn với mức lương cao hiện nay là: công nghệ thông tin, truyền thông – quảng cáo, marketing, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ - kỹ thuật, quản lý điều hành, tài chính – ngân hàng, xuất nhập khẩu, biên - phiên dịch.
Chính vì thế, tỉnh BRVT đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực thu hút đầu tư; tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số… làm động lực để đưa địa phương này bước đi trong quỹ đạo phát triển ổn định, bền vững được ví như nơi hợp điểm bởi “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”.