Chi phí Logistics, "nút thắt" của "nút thắt"

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 10:17, 22/12/2022

Nếu như Logistics đang là "nút thắt" của nền kinh tế, thì chi phí Logistics lại đang là "nút thắt" của Logistics. Giảm chi phí Logistics là câu chuyện đau đầu của các nhà quản lý.
logistics-viet-nam-1.jpg
Đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Ảnh: Internet

Ngành logistics cũng có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất khẩu thành một điểm sáng, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và đến ngày 15/12 vượt mốc kỷ lục 700 tỷ USD..

Tuy nhiên, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải trả chi phí logistics lên tới 20 – 30% giá trị hàng hóa, đây là mức rất cao gây bất lợi cho giá cả hàng hoá…Chi phí logistics của Việt Nam cao gần gấp đôi mức trung bình của thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới xuất, nhập khẩu hàng hóa...

"Chi phí logistics, đặc biệt là giá cước vận tải biển tăng cao gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tình trạng đứt gãy, xáo trộn, ún ứ cục bộ trong chuỗi cung ứng vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ, đường biển", Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ nêu rõ.

Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do Agility vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á.

Điều này có thể thấy logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%", tại Diễn đàn Logistics khu vực châu Âu - châu Mỹ 2022 diễn ra ngày 20/12/2022, ở TP.HCM, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.

Việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào khu vực Âu – Mỹ được coi là thị trường quan trọng, nơi có những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ (lớn nhất), Liên minh châu Âu (lớn thứ 3) cùng nhiều đối tác quan trọng và tiềm năng khác.

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực Âu –Mỹ đạt gần 212 tỷ USD (tăng trưởng 21% so với cùng kỳ). Tính đến hết tháng 11/2022, kim ngạch thương mại đã đạt 212 tỷ USD (tăng 11,8%), trong đó xuất khẩu đạt 171 tỷ USD (tăng gần 16%), xuất siêu sang khu vực đạt hơn 128 tỷ USD.

Đối với khu vực thị trường đầy hứa hẹn này, các giải pháp logistics đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam khi trao đổi thương mại với thế giới nói chung, đặc biệt là khu vực Âu - Mỹ nói riêng, vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics (kho bãi, trung tâm logistics) hạn chế, thiếu đồng bộ.

Đặc biệt, quy trình thủ tục hải quan còn chồng chéo; doanh nghiệp logistics còn thiếu thông tin, thiếu liên kết... Điều này khiến chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức rất cao, là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, một container gỗ trị giá 20.000 - 30.000 USD, trong đó chi phí logistics chiếm tới 20-30% (4.000 -9.000 USD). Dù cước vận tải nước ngoài đã giảm sâu nhưng chi phí logistics nội địa vẫn cao và có xu hướng tăng lên.

Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA), cho biết hiện nay chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8 – 17% giá trị hàng hóa, nhưng có những doanh nghiệp phải chi trả tới 20 – 25%.

bd-logistics.png
Những khoản chi phí cho một container hàng hoá khi xuất khẩu từ Việt Nam....Ảnh: Internet

Để tối ưu hóa chi phí logistics, các doanh nghiệp được khuyến cáo sử dụng tích hợp chuỗi dịch vụ khai báo hải quan, vận chuyển nội địa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên thay đổi điều kiện bán hàng từ FOB sang mua hàng CIF nhằm chủ động hơn trong việc sử dụng các lịch vận chuyển phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp cạnh tranh uy tín nhằm tiết kiệm chi phí cước tàu và các rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Đồng thời, “swap container” (trao đổi container) giữa hàng xuất - nhập. Theo đó, các nhà xuất nhập khẩu nên thỏa thuận với các hãng vận chuyển cho phép áp dụng chính sách “swap container” hàng xuất - nhập nhằm giảm thiểu chi phí vận tải.

Việc sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp giảm 50% chi phí, và dùng container nhập để vận chuyển hàng đến kho ngoại quan giúp giảm 30% chi phí vận chuyển, theo HLA.

Các doanh nghiệp cần tăng cường thay đổi phương thức vận tải nội địa từ đường bộ sang đường thủy nội địa để giảm chi phí vận chuyển, cũng là một phương thức. Để làm được điều này, cần đầu tư xây dựng các bến sà lan tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương.

Đối với việc khai thác các cảng, cần có cơ chế để liên kết và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực Cái Mép - Thị Vải (cơ chế "cảng mở"), nhằm tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giúp giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực này.

Hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị đang tăng cường kết nối, mở tuyến vận tải thủy kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với cảng nước sâu Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng Cát Lái (TP.HCM) qua kênh Quan Chánh Bố.

Theo ông Trần Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch VLA “Về lâu dài, cần có kế hoạch nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ cho hoạt động logistics bao gồm hệ thống đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt, các nhà ga, hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, kho tàng bến bãi cũng như các trang thiết bị xếp, dỡ vận chuyển hàng hóa container

* Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Cùng với các giải pháp tổng hoà khác, sớm đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực..,Theo Nghị quyết số 163/NQ-CP, khung pháp lý và thể chế về logistics, nâng cao vai trò của ngành logistics trong nền kinh tế phải tiếp tục hoàn thiện.

Ngô Đức Hành