Cảng Chân Mây trong chuỗi logistics miền Trung
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 18:21, 25/12/2022
Khai trương tuyến container tại Cảng Chân Mây
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng; là bước khởi đầu tạo bước đột phá, góp phần thúc đẩy, phát triển cho Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế; tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn Khu vực Bắc Miền Trung (từ Thừa Thiên Huế- Quảng Bình) và nước bạn Lào; tạo động lực, diện mạo mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương hoan nghênh, ghi nhận và biểu dương sự đồng hành, quyết tâm của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã tiên phong quyết định mở tuyến; trở thành Hãng tàu đầu tiên đưa tàu container vào Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế; Mở ra dịch vụ vận tải mới, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa và quốc tế.
"Cảng Chân Mây sớm hoàn thành các hạng mục, lộ trình đầu tư bổ sung các dịch vụ và có giải pháp hiện đại hóa trong tổ chức sản xuất, giao nhận hàng hóa, phục vụ các hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu với chất lượng cao. Cùng với đó, cảng cần tổ chức tốt dịch vụ logistic để góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp", ông Phan Quý Phương đề nghị.
Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh, các Sở ban hành liên quan cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các hãng tàu, doanh nghiệp vận tải và đối tác cùng hợp tác, chung tay xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng và là trung tâm kết nối chuỗi cung ứng dịch vụ logistics cho miền Trung.
Dịp này, Cảng Chân Mây đón chuyến tàu container đầu tiên Hải An View với sức chứa 1.577 TEU, mở ra tuyến dịch vụ vận tải container Hải Phòng - Chân Mây (Thừa Thiên Huế) - Hồ Chí Minh, định tuyến 2 chuyến/ituần của hãng tàu Hải An. Sự kiện này đánh dấu việc mở ra tuyến dịch vụ vận tải container nội địa đầu tiên đến Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chủ tịch HĐQT – Công ty Cổ phần cảng Chân Mây Dương Bá Hoà cho hay, sự kiện khai trương tuyến container khẳng định tiềm năng và lợi thế của Cảng Chân Mây. Cảng đã đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hệ thống hạ tầng, dịch vụ đáp ứng khai thác hàng container. Trang thiết bị, công cụ dụng cụ và kho bãi giai đoạn đầu đã sẵn sàng để phục vụ khai thác, xếp dỡ đảm bảo các tiêu chí khai thác hàng container, đáp ứng yêu cầu của hãng tàu về an toàn và năng suất.
Việc triển khai dịch vụ container, mở đường định tuyến nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí logistics, tiết kiệm được thời gian, góp phần mang lại sự thành công cho các doanh nghiệp.
Trong thời gian đến, Cảng Chân Mây đã có chủ trương đầu tư mở rộng diện tích kho bãi chứa container đồng thời tiếp tục nghiên cứu đầu tư các thiết bị chuyên dụng, ứng dụng các phần mềm quản lý khai thác cảng, khai thác hàng container… để nâng cao năng suất đáp ứng các tiêu chí của các hãng tàu. Song song đó, tiếp tục xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực đủ đáp ứng khai thác hàng container khi lượng tàu và hàng hóa gia tăng.
Cảng Chân Mây là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, là một trong những cảng biển được Hiệp hội Du thuyền Châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Cảng nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế và Đà Nẵng), khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân - Vườn quốc gia Bạch Mã), đô thị du lịch quốc gia Huế và là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Các ngành nghề kinh doanh được khai thác chủ yếu ở đây bao gồm dịch vụ cầu bến; khai thác, xếp dỡ hàng tổng hợp, khai thác hàng container; tàu khách du lịch; dịch vụ kho bãi; vận tải thuỷ bộ; đại lý hàng hải; dịch vụ logistics… Cảng Chân Mây hội đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển trở thành cảng đón được các cỡ tàu du lịch mới nhất và lớn nhất thế giới. Mục tiêu phát triển thời gian tới là đón tàu container, tàu hàng có trọng tải đến 70.000DWT đồng thời xây dựng khu chuyển tải 200.000DWT, du DEPOT, kho ngoại quan, kho chuyên sử dụng cho việc nhập hàng lẻ xuất nhập khẩu (CFS).
Kinh tế biển và chuỗi logistics miền Trung
Thừa Thiên Huế là tỉnh thuộc khu vực vùng biển và ven biển Trung Trung Bộ với 128 km chiều dài bờ biển tiếp cận với ngư trường biển Đông. Tỉnh có vị trí cửa ngõ thông thương ra biển của tuyến hành lang xuyên Á Đông – Tây qua Bắc Thái Lan – Nam Lào – Miền Trung Việt Nam, một cửa ngõ ra biển của khu vực Bắc Tây Nguyên; lợi thế kết nối, giao lưu kinh tế thương mại, hàng hải ba miền Bắc – Trung – Nam, kết nối hình thành vành đai kinh tế ven biển động lực phát triển Miền Trung.
Vùng đầm phá Tam Giang là một đặc trưng của tỉnh, có tiềm năng to lớn về hải sản, hơn 500 loài cá trong đó 30 - 40 loài có giá trị kinh tế cao, năng suất khai thác bình quân gần 40.000 tấn/năm.
Trong những năm qua, kinh tế biển và đầm phá đang trở thành động lực phát triển của Tỉnh, tạo diện mạo mới cho toàn vùng, góp phần khai thác lợi thế phát triển du lịch và thủy sản, giải quyết tình trạng chia cắt, cô lập trong mùa mưa bão, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Xác định tầm quan trọng của biển đối với phát triển của Tỉnh, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển. Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đặc biệt khởi công xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa biển Thuận An.
Bước đầu phát triển công nghiệp ở khu vực ven biển, đầm phá Phú Đa, Phú Lộc, Phong Điền; đóng mới và sửa chữa tàu thuyền đánh bắt thủy sản, chế biến thủy sản; các dự án năng lượng tái tạo đã được cấp phép và nghiên cứu ở khu vực Phong Điền, Phú Lộc. Du lịch đầm phá và ven biển ngày càng phát triển, dần thành ngành kinh tế chủ lực. Nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản, … tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện.
Phát huy lợi thế của một tỉnh ven biển, Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế biển là phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái kết hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ biển, năng lượng tái tạo; gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa.
Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Với những mục tiêu và định hướng đó, Thừa Thiên Huế nỗ lực xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trước mắt đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế gắn với phát triển kinh tế biển.
Xây dựng các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết liên quan đến phát triển vùng biển và ven biển cùng kế hoạch triển khai chi tiết, với sự tham gia của các cấp, các ngành và vận động sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Triển khai thực hiện Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 và Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu.
Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm: hoàn thành đầu tư tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An; nâng cấp công suất cảng hàng không quốc tế Phú Bài; nâng cấp cảng nước sâu Chân Mây thành cảng Container, cảng du lịch (đầu tư bến số 4, 5, 6, 7, 8) và cảng Phong Điền, khu neo đậu trú bão khu vực Thuận An...