Chuỗi cung ứng công nghệ chuyển dịch về Việt Nam
Công nghệ - Ngày đăng : 12:41, 26/12/2022
Thông tin về việc các hãng công nghệ chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy rộ lên từ năm 2021, sau khi chuỗi cung ứng tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng.
Cuối tháng 5/2022, Xiaomi Việt Nam tuyên bố đã có những lô điện thoại đầu tiên được sản xuất tại nhà máy đối tác ở Thái Nguyên, chuyển đến nhà phân phối trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường Đông Nam Á.
Đến tháng 6, nguồn tin từ Nikkei cũng khẳng định Apple cùng đối tác BYD đã xây dựng xong nhà máy và sản xuất một lượng iPad nhất định, đánh dấu lần đầu máy tính bảng Apple được lắp ráp bên ngoài Trung Quốc. Trước đó, các công xưởng như Foxconn, Goertek, Luxshare đều có nhà máy ở Việt Nam, lắp ráp các thiết bị Apple như loa HomePod, tai nghe AirPods.
Trong danh sách đối tác cung ứng được Apple công bố hồi tháng 10, Việt Nam là nơi đặt nhà máy của 25 trên tổng số 190 đối tác của hãng, tăng 19% so với năm trước đó. Ngoài ra, điện thoại Samsung, Google Pixel cũng là những sản phẩm "made in Vietnam" từ nhiều năm trước.
Theo Tổng Cục thống kê, ngành Công nghiệp điện tử của Việt Nam đã sản xuất nhiều sản phẩm cho thế giới, như điện thoại, máy tính bảng, bo mạch chủ, màn hình, tivi, camera, thiết bị máy văn phòng và các sản phẩm quang học... Trong 11 tháng của năm 2022, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
"Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia. Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính và tăng cường thu hút FDI", bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhận định tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần IV ngày 8/12.
Mới đây nhất, sáng 23/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Samsung đã khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây có thể coi là dấu ấn mới, đáng nói của Samsung trại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2021, tổng số vốn đầu tư lũy kế của Samsung tại Việt Nam là 18,2 tỷ USD và năm 2022 được dự đoán sẽ vượt quá 20 tỷ USD.
Tại sự kiện này, ông Roh Tae Moon - Tổng giám đốc Samsung Electronics - bày tỏ Trung tâm R&D sẽ trở thành cái nôi nuôi dưỡng những nhân tài công nghệ thông tin số một Việt Nam và sáng tạo ra những công nghệ hàng đầu, đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam.
Về tầm nhìn, ông cho biết nơi đây không chỉ là trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển số 1 toàn cầu, hướng tới người tiêu dùng thế giới, tập trung nghiên cứu chuyên sâu những công nghệ cốt lõi của điện thoại di động như lĩnh vực đa phương tiện và bảo mật.
"Chúng tôi sẽ đi đầu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ của Việt Nam khi mở rộng chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học về các môn như trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, đa phương tiện, bảo mật thay vì chỉ tập trung chủ yếu vào thuật toán ứng dụng như trước đó" - ông Roh Tae Moon cho biết, tại Lễ khánh thành.
Rõ ràng là, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung trên toàn cầu. Việc Samsung triển khai dự án Trung tâm R&D là minh chứng cho định hướng và cam kết của tập đoàn hoạt động lâu dài tại Việt Nam, cũng như chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tham dự sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Tập đoàn Samsung khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, đạt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung tại Thái Nguyên. Đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu khép kín "chuỗi sản xuất" trong lĩnh vực điện, điện tử tại Việt Nam.
* Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại,…” . Đây là tư duy mới, quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của khoa học công nghệ trong tiến trình phát triển đất nước.
* Đối với ngành Logistics, "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030", ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định "Hình thành các hệ thống đổi mới sáng tạo gắn với các cụm liên kết ngành, các chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành công nghiệp có doanh thu lớn, giá trị xuất khẩu cao như dệt may, da giày, điện tử, thiết bị máy móc, chế biến gỗ, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản, dược phẩm,... để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Việt Nam".