Những cánh chim đầu đàn dệt mùa xuân Logistics Việt Nam
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 19:26, 27/12/2022
Thế giới đang trong giai đoạn đầy biến động khó lường với những sự kiện chưa bao giờ có tiền lệ. Mặc dù vậy, với tình hình chính trị xã hội ổn định, thị trường nhiều tiềm năng, cũng như đang trong giai đoạn dân số vàng với đội ngũ lao động dồi dào, tiếp thu nhanh chóng các tiến bộ phát triển của thế giới, nhờ có những nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng, mới đây là đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP giảm 2,6% vào năm 2021 do sự xuất hiện của biến thể Delta của virus Sars-CoV-2 và dự kiến sẽ phục hồi lên 7,2% vào năm 2022 và 6,7% vào năm 2023. Việt Nam đang là điểm đến của hy vọng, thu hút đầu tư của cộng đồng quốc tế.
Kết quả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm tăng trưởng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất đến năm 2030. Thống kê gần đây của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất ngập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đã đạt mốc 700 tỷ USD.
Cơ hội luôn đi kèm với thách thức, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn đồng nghĩa với việc sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ các nước phát triển có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh. Đứng trước thách thức này, một trong những yếu tố để nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu đó là gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp đầu ngành.
Đối với ngành Logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển, Quyết định 200 và 221 của Chính phủ nêu rõ: "Ngành Logistics có nhiệm vụ xây dựng và phát triển các tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu logistics".
Hiện nước ta có khoảng 5000 DN đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics, trong đó có đến hơn 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ thậm chí là siêu nhỏ, chủ yếu kinh doanh các dịch vụ đơn lẻ như khai thuê Hải quan, vận tải, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu... Chính vì vậy, nhu cầu phát triển những doanh nghiệp có hệ sinh thái logistics đầy đủ, có khả năng cung cấp dịch vụ logistics trọn gói và dẫn dắt thị trường đang trở nên cấp thiết và ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước cũng như hoạt động xuất nhập khẩu.
"Những cánh chim đầu đàn" của ngành Logistics Việt Nam có thể kể đến Gemadept, In Đô Trần, Transimex… Với sứ mệnh của doanh nghiệp đầu ngành Logistics, những doanh nghiệp này, không chỉ dẫn dắt về thị trường, thị phần, mà còn giữ vai trò trung tâm, đi đầu trong phát triển công nghệ, xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo lập nền tảng sản xuất kinh doanh cho nền kinh tế và tạo môi trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, vươn lên…
Để hoàn thành sứ mệnh của một doanh nghiệp đầu ngành logistics, doanh nghiệp cần đủ khả năng gánh vác được những vai trò quan trọng, đặc biệt là:
1. Vai trò dẫn dắt: Doanh nghiệp logistics với vị thế tiên phong trong ngành, trước mắt, cần có khả năng kiểm soát được thị phần ngay tại thị trường Việt Nam và từng bước vươn ra thế giới, đưa hàng hóa Việt đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, thế giới hiện tại đang thay đổi rất nhanh, một doanh nghiệp thực hiện vai trò dẫn dắt cần nắm bắt nhanh những xu hướng bằng nền tảng công nghệ vượt trội và có sức chống chịu tốt với khủng hoảng với nền tảng tài chính vững chắc.
2. Vai trò ảnh hưởng: Khả năng ảnh hưởng, lôi kéo, tạo động lực và truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác, cùng nhau phát triển trên những nền tảng công nghệ chung, để cộng hưởng và liên kết các sức mạnh về tài sản, lợi thế về thông tin và quản trị, nhằm phát huy tối đa nội lực của mỗi doanh nghiệp để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp quốc gia có năng lực cạnh tranh vượt trội trên thị trường quốc tế.
3. Vai trò cống hiến: Đóng góp tri thức, kinh nghiệm, chia sẻ các giá trị cho cộng đồng, góp phần thúc đẩy dòng chảy kinh tế, sự phát triển chung của xã hội và đất nước.
Hơn 32 năm hình thành và phát triển, Công ty cổ phần Gemadept đã xây dựng một hệ sinh thái Cảng – Logistics tích hợp trải dài từ Bắc vào Nam, Gemadept, từ khi thành lập năm 1990, luôn đảm nhận vị thế tiên phong đóng góp cho ngành logistics nước nhà, kiến tạo hệ sinh thái Cảng và Logistics tại Việt Nam. Hiện nay, Gemadept đang không ngừng nâng cao tiêu chuẩn công nghệ của hệ sinh thái và chất lượng dịch vụ, nhằm từng bước góp phần đưa hệ thống cảng biển và logistics của Việt Nam vào chuỗi cung ứng quan trọng toàn cầu.
Nắm bắt được xu hướng phát triển "Greener & Smarter" – xây dựng hệ thống Cảng - Logistics xanh và thông minh hơn trên toàn cầu, Gemadept, một lần nữa, đã và đang tiên phong xây dựng mô hình cảng thông minh không chỉ giúp các cảng trong hệ sinh thái của mình gia tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, mà còn tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cũng như đem lại nhiều tiện ích, giá trị vượt trội cho khách hàng. Không những thế, “cảng thông minh” còn đóng góp những giá trị vô hình dài lâu về mặt môi trường và xã hội khi giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải khí CO2.
Cụ thể, mô hình "Cảng thông minh" của Gemadept được phát triển dựa trên hai yếu tố: Tự động hóa và Chuyển đổi số. Đối với tính tự động hóa, nổi bật trong hệ sinh thái cảng của Gemadept đó là cảng nước sâu Gemalink, được Gemadept đầu tư đồng bộ từ đầu, hiện Gemalink đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến. Các thế hệ cẩu e-RTG, e-STS, e-FCC của Gemalink đều có thể sử dụng điện lưới, tích hợp công nghệ kiểm soát tải linh hoạt, cùng hệ thống DGPS kết hợp đồng bộ với phần mềm quản lý cảng hiện đại. Qua đó, mọi hoạt động theo dõi, quản lý khai thác, phối hợp giữa tuyến tiền phương và hậu phương của cảng được thực hiện nhịp nhàng, nhanh chóng, chuẩn xác đến từng vị trí container trên bãi. Đồng thời báo cáo khai thác được cập nhật tự động theo thời gian thực giúp các đối tác trong chuỗi cung ứng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin thuận tiện cho việc lên kế hoạch khai thác tiếp theo.
Gemadept cũng là một trong những doanh nghiệp khai thác cảng và logistics đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Tháng 5-2021, Gemadept ra mắt và triển khai sử dụng ứng dụng cảng thông minh SmartPort trên các cảng trên hệ thống cảng của mình. SmartPort đáp ứng tối ưu các tính năng của một Cảng điện tử, bao gồm: Đăng ký Lệnh trực tuyến, Thanh toán trực tuyến, Chứng từ điện tử, E-DO, E-Gate, Tra cứu dữ liệu tích hợp đa Cảng trực tuyến, vận hành khai thác tự động và nhanh chóng. Tại thời điểm mới triển khai, khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh và cản trở các hoạt động giao tiếp, tiếp xúc trong tác nghiệp logistics, SmartPort của Gemadept như một giải pháp tiên phong tháo gỡ vấn đề nóng của hệ thống cảng. Hệ quả là ngay trong thời gian đầu triển khai, SmartPort của Gemadept đã nhanh chóng nhận được sự đánh giá cao và tin dùng từ phía các đối tác, doanh nghiệp khách hàng khi có tới 15.000 lệnh giao dịch và 45.000 TEU container được tác nghiệp thông qua hệ thống trong vòng 02 tháng đầu tiên và con số này liên tục tăng lên sau đó.
Trong tương lai gần, SmartPort sẽ được Gemadept mở rộng hơn nữa kết nối tới các nền tảng của bên thứ 3, từ đó gia tăng dữ liệu lớn (Big Data) giúp khách hàng tiếp cận nhiều thông tin hơn, đặc biệt là khả năng kết nối trực tuyến với các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bằng khả năng tổng hợp và phân tích dữ liệu của SmartPort cùng hệ thống cở sở vật chất hiện đại có khả năng tự động hóa cao, hệ sinh thái Gemadept đang cung cấp cho thị trường logistics Việt Nam những dịch vụ ngày càng nhanh, chính xác và tiết kiệm chi phí hơn, góp phần xanh hóa chuỗi logistics Việt.
Đồng hành với Chính phủ trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu để đạt mức phát thải ròng bằng 0 - Net Zero, vào năm 2050, bên cạnh những mô hình "Cảng thông minh" tự động hóa cao tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, Gemadept còn tích cực phát động và tham gia các hoạt động vì môi trường và xã hội. Tiêu biểu là dự án trồng bù rừng “Ship to Seed” do Gemalink và các đối tác triển khai trồng thí điểm hàng trăm héc-ta rừng ngập mặn trên khắp đất nước, giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học, cải thiện hệ sinh thái cũng như đem đến cho người dân địa phương nhiều lợi ích về kinh tế, du lịch, khai thác nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản…
Để những doanh nghiệp đầu ngành logistics có tinh thần dân tộc, phụng sự cho công cuộc phát triển cho đất nước có cơ hội tiếp tục cống hiến và đưa ngành Logistics Việt Nam vươn ra thế giới, cần có sự hợp lực của nhà nước và các bộ, ngành liên quan. Nhằm tạo được một bệ phóng manh mẽ cho doanh nghiệp Logistics Việt, rất cần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, các thủ tục liên quan đến ngành Logistics cần đơn giản hóa. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể đưa ra các chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp tiên phong trong từng lĩnh vực của ngành Logistics nhằm tạo ra các doanh nghiệp logistics có năng lực mạnh trên từng mảng chuyên biệt từng bước kiến tạo là một cộng đồng logistics có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực và trên thế giới.