Khó khăn và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam 2023
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 10:11, 29/12/2022
Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam
Ông Đinh Thế Hiển cho biết, theo IMF dự báo lạm phát thế giới hạ nhiệt trong năm 2023, trước khi ổn định vào năm 2024. Trong đó, các nước đang phát triển vẫn còn lạm phát cao trong năm 2023, kinh tế Asian sẽ còn khó khăn vào năm 2023.
Trong tháng 12/2022, các tổ chức thế giới đều giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 so với thời điểm tháng 10/2022. Nguyên nhân chủ yếu từ xung đột Nga – Ukraina, ngân hàng các nước chống lạm phát và thị trường bất động sản suy giảm.
Còn kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 431 tỷ USD (năm 2021 đạt 362,6 tỷ USD) cho thấy nền kinh tế đang phục hồi rõ rệt. Về chỉ số CPI 11 tháng đầu năm 2022 tăng 4,5% tập trung trong nhóm dịch vụ và hàng thực phẩm, nhưng vẫn ở mức kiểm soát. Tỷ giá USD tăng hơn năm 2021, nhưng không cao hơn mức lãi suất tiền gửi, VND tăng giá so với các ngoại tệ khác.
Xuất khẩu vẫn là động lực mạnh mẽ của nền kinh tế với mức tăng mạnh so với năm 2021, xuất siêu 10,6 tỷ USD trong 11 tháng. Nguồn thu ngân sách có mức tăng cao hơn chi ngân sách so với năm 2021.
Về vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022 ước đạt 445,9 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9% kế hoạch năm và tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu cho lĩnh vực hạ tầng và xây dựng thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngoài ra, vốn FDI cũng được giải ngân tích cực với 19,7 tỷ USD trong 11 tháng năm 2022.
Dự báo của World Bank tháng 10/2022, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 -2024 sẽ giảm nhẹ so với 2022, kim ngạch xuất khẩu sẽ không đóng góp tốt như 2022. Còn dự báo tháng 12/2022 của các tổ chức tài chính thế giới đều nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 sẽ giảm dưới 7%. Tuy nhiên, vẫn ở mức tăng trưởng tốt so với khu vực Asean (4,9%), châu Á & Thái Bình Dương (4,6%) và thế giới (2%).
Khó khăn và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam
Ông Hiển cho rằng, trong năm 2023 khó khăn chủ yếu từ suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các nước phát triển. Theo như báo cáo của World Bank gần đây đã chỉ ra, hai động lực của Việt Nam gồm xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều chững lại do các yếu tố lạm phát toàn cầu, suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chính (Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc) và sự gián đoạn tiếp diễn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Khi nói về những cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam, ông cho biết, chúng ta đã kiểm soát và ổn định được hệ thống tài chính, kiểm soát được tỷ giá và lạm phát. Do đó, kinh tế tài chính vĩ mô ổn định giúp doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam tiếp tục thu hút FDI và lợi thế xuất khẩu do xu thế dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khu vực. Cùng với các lợi thế nội tại như cải tiến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và ổn định kinh tế cùng chính sách hội nhập. Qua đó, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu đối với các nhà đầu tư đa dạng hóa chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc.
Ông nhận định, Nhà nước đã kiểm soát và giải quyết gốc rễ việc cung ứng vốn dưới chuẩn và đầu cơ của thị trường bất động sản, từng bước đưa thị trường bất động sản về sự thiết thực và ổn định. Điều này giúp nguồn cung ứng vốn cho nền kinh tế thực và các công ty sản xuất kinh doanh, tạo động lực quan trọng để kinh tế nội địa phát triển.
Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đưa ra dự báo, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I/2023, trở về ổn định vào cuối quý 2/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý 3/2023. Còn xuất khẩu hàng hóa tiếp tục suy giảm trong quý 1 và quý 2/2023, phục hồi tăng vào quý 3.
Nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý 2/2023 và tăng trưởng tích cực từ quý 3 do hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý 4/2023, tập trung ở khu vực đô thị, lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh.