Nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu: Bước chuyển mình "đột phá"

Nông nghiệp - Ngày đăng : 16:11, 03/01/2023

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những bước chuyển mình quan trọng trong nền nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT). Bằng lợi thế địa lý và nguồn lực tài nguyên cũng như con người của tỉnh, nền nông nghiệp nơi đây đã có những đột phá mới từ tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản được ghi nhận bởi những con số ấn tượng,...

Được thành lập ngày 12/8/1991, lúc đó hạ tầng kinh tế xã hội tỉnh BRVT còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 1992, tỷ trọng nông nghiệp của tỉnh chiếm tới 23% trong cơ cấu các ngành kinh tế, công nghiệp chỉ chiếm 14,5%, còn lại là dịch vụ (chủ yếu liên quan đến khai thác dầu khí) chiếm tới 62,5%. Điều đáng nói là, sản xuất nông nghiệp lúc này chủ yếu là thủ công, manh mún; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông nội đồng, điện cho sản xuất... gần như chưa có.

bau-may-1-compressed.jpg

Vượt qua những năm tháng khó khăn đó, chính quyền và nhân dân tỉnh BRVT đã đề ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa mới dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại với năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao. Ngành nông nghiệp sẽ được cơ cấu lại theo mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: Sản xuất rau tại thị xã Phú Mỹ và huyện Đất Đỏ; hồ tiêu tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc; cây ăn quả đặc sản tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ; sản xuất hoa, cây cảnh tại thị xã Phú Mỹ và huyện Đất Đỏ; chăn nuôi tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ; sản xuất giống thủy sản tại huyện Đất Đỏ, nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Đất Đỏ.

Đến nay, BRVT được biết đến là một trong những địa phương đi tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình tiêu biểu như Kỹ thuật – Công nghệ sản xuất rau 4Kfarm và hệ thống liên kết tiêu thụ nông sản; Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào việc canh tác và sơ chế, chế biến cacao – socola; Ứng dụng máy không người lái vào gieo giống và phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa, cây chuối; Sử dụng vật liệu HDPE trong nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp hiện đại, công nghệ bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm mực và mô hình nhân giống, nuôi mực trong môi trường tự nhiên; Nuôi trồng thủy - hải sản kết hợp du lịch sinh thái; Giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ mới và xử lý môi trường rác thải, nước thải trong nông nghiệp nông thôn.

images1644028c2-1609669399175-1609669400473322871442-compressed.jpg

Hiện nay, tỷ trọng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm trồng trọt có xu hướng tăng qua các năm. Quy mô đàn vật nuôi ứng dụng công nghệ cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh đạt tỷ lệ 70,27%. Diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 36,98% trên tổng quy mô nuôi thủy sản toàn tỉnh. Giá trị sản xuất đạt 4.897 tỷ đồng/năm, chiếm 32,8% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 109,94 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015.

Ngoài ra, BRVT luôn rộng mở mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao nhằm có thêm nhiều cơ hội phát triển mới, tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập.

maxresdefault-compressed.jpg

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh BRVT, địa phương hiện có 344 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 5.272ha, diện tích đang sản xuất 5.255ha. Trong chăn nuôi, hiện có 127 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 515ha, chiếm tỷ lệ 38,5% tổng đàn gia cầm và 37,8% tổng đàn heo. Lĩnh vực thủy sản, có 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 409,7ha, tăng 11,5 ha so năm 2021.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BRVT, tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết và chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ CP của Chính phủ; hỗ trợ lãi suất tín dụng phát triển sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản; khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND. Đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND...

Các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp về cả đất đai (quy hoạch và thu hồi đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao), ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cả trong nuôi trồng và chế biến nông sản, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Đức Minh