Nguyễn Anh Trí với "Mẹ và những miền quê mẹ"
Văn hóa - Ngày đăng : 21:34, 07/01/2023
“Mẹ và những miền quê mẹ”, NXB Hội Nhà văn quý 3/2022 là tập thơ mới nhất của nhà thơ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS. Nguyễn Anh Trí. Nguyễn Anh Trí là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
Trước đó, ông đã in “Sống mãi với thu vàng”, NXB Hội Nhà năm 2014; “Tình ca cầu vồng”, NXB Hội Nhà năn năm 2015; “Suối nguồn thi ca” (Hợp tuyển), NXB Hồng Đức năm 2020. Như vậy, 8 năm qua, Nguyễn Anh Trí cứ “túc tắc” năm rưỡi 1 tập.
“Mẹ và những miền quê mẹ”, gồm 75 bài thơ, cũng là tập thơ khá dày dặn, gồm 176 trang in. Như tên tập thơ đã cho thấy, biên độ cảm thức về mẹ. Tính ra có 6/75 bài thơ, tên bài đã có từ “mẹ”; đó là “Tiếng gọi mẹ ơi”, “Ca dao của mẹ”, “Người là mẹ Việt Nam”, “Nước chấm mẹ pha”, “Thương lắm câu hò quê mẹ”, “Những miền quê mẹ”.
Trong ngôn ngữ mọi dân tộc, mẹ theo nghĩa sinh thành là danh từ thiêng liêng. “Mẹ” – tiếng gọi đơn sơ nhưng thiêng liêng quá đỗi. Từ khi con cất tiếng khóc chào đời tới khi con khôn lớn và trưởng thành, mẹ luôn là người động viên, chia sẻ, dõi theo từng bước con đi. Mẹ tảo tần sớm hôm để nuôi con khôn lớn, mẹ nhìn con là cái nhìn trìu mến nhất. Người mẹ mang nặng đẻ đau, chắt chiu, dành dụm...đều vì những đứa con; hạn phúc hay bất hạnh đều ở con. Vì thế, “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”
Trong ngôn ngữ Việt Nam – vốn có tính ẩn dụ, nhiều lúc, nhiều hoàn cảnh, “Mẹ” có khi là đất nước, quê hương. Theo nghĩa này, hình ảnh người mẹ rộng lớn và quê hương, rậm rịt trong “Mẹ và những miền quê mẹ”; ví dụ bài “Lời thỉnh cầu từ mẹ Biển Đông”. Có thể, do đặc điểm công việc nên nhà thơ Nguyễn Anh Trí đi lại khá nhiều vùng miền ở Tổ quốc, từ biên giới, đồng bằng, hải đảo, xa nhất là Trường Sa, đến đâu cũng có thơ. Tình yêu quê hương, đất nước là mạch cảm chủ đạo trong tập thơ này.
Ai cũng có một Tổ quốc, một quê hương và một người mẹ. Không ai tự chọn được cho mình nơi sinh (quê hương, đất nước) và bầu sữa ngọt. Chính vì thế, trong nghĩa cử nào, “mẹ” cũng thiêng liêng, máu mủ.
“Mẹ ơi”
Đó là tiếng gọi đầu đời
Của chúng con từ khi tập nói
Tiếng “Mẹ ơi” mỗi lần con gọi
Lắng lại trong tình Mẫu Tử thiêng liêng
(Tiếng gọi “Mẹ ơi”)
Hẳn nhiên là như vậy và khát khao gọi “mẹ” trong suốt đời người, của bất cứ đứa con nào.
Như đã nói, với Nguyễn Anh Trí, danh từ “mẹ” còn là ẩn dụ của quê hương trong trái tim thơ, dễ rung cảm của ông. “Mẹ” không chỉ sinh thành mà còn là khái niệm về Tổ quốc: “Những miền quê mẹ trong tôi / Là sông suối, là núi đồi hoang sơ / Là ngôi nhà của tuổi thơ / Là mảnh vườn mẹ với bờ mùng tơi”, (Những miền quê mẹ).
Năm 2012, trong một lần công tác ở Italia, sáng sớm dậy, tâm thức ông đã hướng về biển Đông, nơi mặt trời vừa lên, nơi có quê hương của chính mình. Xin nhớ, đây cũng là năm Quốc hội ban hành Luật Biển Việt Nam, đấy cũng là năm nhiều cơn bão. “Lời thỉnh cầu mong sóng dịu, bão yên / Của những đoàn thuyền mỗi khi ra bến / Tiếng những mẹ già mỏi mòn ước nguyện / Mong chuyến ra khơi bão lặng, dông dừng”, (Lời thỉnh cầu từ mẹ Biển Đông).
Cảm xúc thơ Nguyễn Anh Trí chân thành, dung dị, dễ sẻ chia; bởi trước hết là tiếng nói chân thực. Tình cảm nhà thơ dành cho quê hương, đất nước, trước hết từ trách nhiệm xã hội của công dân. Tiếng thơ ông vì vậy là tiếng thổn thức của những người dân yêu nước. Nguyễn Anh Trí, từng ra Trường Sa, ngoài “Lời thỉnh cầu từ mẹ Biển Đông”; trong tập “Mẹ và những miền quê mẹ”, ông có hẳn chùm thơ về chủ đề biển, đảo. “Những ngọn cờ giữa Trường Sa”, “Nơi in dâu hình Tổ quốc”, “Nỗi lòng con sóng Trường Sa”, “Côn Đảo ơi”, “Tình yêu Phú Quốc”...
Những người gần gũi PGS.TS. Nguyễn Anh Trí đều có chung nhận xét rằng, ông cái gì cũng vẹn toàn. Ông nói, hài lòng với mỗi ngày mình sống, với mỗi điều mình có, mình vun đắp, xây dựng lên. Và ông muốn dành quãng thời gian còn lại của cuộc đời để chiêm nghiệm và sáng tác.
Nguyễn Anh Trí còn là nhạc sỹ, Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, có tài. Tối 11/9/2022, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đêm nhạc “Tổ quốc tôi” của ông, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, cháy bỏng tình yêu tổ quốc, gây tiếng vang lớn. Chương trình có những tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ, như: “Cờ đỏ sao vàng”, “Tổ quốc tôi”, “Bản trường ca trên mặt trống đồng”, “Thánh Gióng - Khát vọng Việt Nam”, “Hát tặng Trường Sa - Gạc Ma”, “Vinh quang! Ơi Việt Nam”…Chính đêm nhạc này đã nhận được tặng thưởng năm 2022 của Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
Nguyễn Anh Trí là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, trọng tình, trọn đạo. Tâm hồn ông bảng lảng ca dao, hoài niệm, nhớ thương. Chắc chắn, ông là một người thờ chữ “trung”, chữ “hiếu”. Đi đâu ông cũng nhớ “Ca dao của mẹ”: “Theo con đi suốt cuộc đời/ Là điều mẹ dặn bằng lời ca dao”. Thưa, ca dao là mẹ, là đất nước, đó cũng là một trong những thành tố trong văn hóa tinh thần của dân tộc.
Thơ Nguyễn Anh Trí, vì thế là tiếng hát từ sâu thẳm chân thành của một tấm lòng phụng sự cái đẹp./.
Một số danh hiệu cao quý của GS.TS Nguyễn Anh Trí:
• Anh hùng Lao động năm 2012;
• Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 2012;
• Huân chương Lao động hạng Ba 2009;
• Huân chương Lao động hạng Nhất 2015;
• Vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” (năm 2013 và 2017);
• Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” - 2015;
• Giải Nhất "Nhân tài Đất Việt - 2016", (đồng tác giả);
• Giải thưởng Hồ Chí Minh - 2017, (đồng tác giả).