Mùa xuân của niềm tin và hi vọng
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 13:00, 13/01/2023
Những nốt nhạc vui
Mặc dù kinh tế thế giới đang ảm đạm vì mới gượng dậy sau đại dịch Covid-19, tiếp đó là cuộc chiến tranh Nga -Ucainke, nhưng kinh tế Việt Nam năm qua có nhiều điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP hơn 6,5% của năm 2022. Trong đó, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, sản xuất công nghiệp, sản xuất dịch vụ... tiếp tục là bức tranh có nhiều gam màu sáng, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô.
Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 xuất siêu hơn 11 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hơn 100 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch XK cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch XK đạt hơn 50 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU, khối ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản đều tăng từ 18% đến 28%.
Năm qua, vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, chỉ 11 tháng đã đạt hơn 25 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất từ trước đến nay, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong ngắn hạn, đồng thời giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 60% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Kết quả trên cho thấy, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt là bứt phá rất mạnh trong quý III và IV. Xu hướng đó đang tiếp tục là dấu hiệu cho thấy GDP sẽ tiếp tục giữ “phong độ” trong năm 2023.
Kinh tế đang thu được kết quả tốt ở nhiều khu vực, lĩnh vực trong khi doanh nghiệp cũng có bước phục hồi khá mạnh, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng. Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Với những điểm sáng kinh tế qua 2 quý cuối năm, một số tổ chức, định chế kinh tế quốc tế cho rằng, Việt Nam là hình ảnh sáng sủa, tiêu biểu cho việc vượt khó thành công, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.
Góc độ nông nghiệp, nông thôn, nông dân có nhiều tin vui. Lần đầu tiên, sầu riêng, chanh dây được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Bưởi được xuất khẩu vào Mỹ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2022 xuất khẩu nông-lâm-thủy sản ước đạt hơn 50 tỷ USD.
Trước đó, 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 7,82 tỷ USD, tăng 47,8%. Như vậy, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2022 đã vượt con số kỷ lục của năm 2021 là 48,6 tỷ USD.
Đến nay, ngành nông nghiệp có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái như cà phê cao su, gạo, hồ tiêu, sắn, cá tra, tôm 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%), gỗ và sản phẩm gỗ... trong đó, các thị trường châu Á chiếm 44,7% thị phần, châu Mỹ 27, 4%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,7%. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, thứ 3 là Nhật Bản...
Mới đây, quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sau quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa... Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết, Bộ tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng và các yêu cầu tạm thời đối với chanh leo sang Trung Quốc; yêu cầu nhập khẩu đối với bưởi xuất sang Hoa Kỳ cho các tổ chức các nhân liên quan tại các đại phương.
Thử thách rồi cũng qua mau
Trong cung bậc cảm xúc thăng hoa cũng có những nốt trầm. Đó là việc vào quý IV, do thiếu đơn hàng nên có gần 500 doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm lao động, hoặc cho lao động luân phiên nghỉ việc. Số lao động bị ảnh hưởng đến việc làm lên đến con số hơn 630.000 người. Việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí. Nguyên nhân là hàng loạt doanh nghiệp mất đơn hàng dịp cuối năm khi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cắt giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn về nguyên liệu, chi phí tăng cao lẫn chịu biến động từ tình hình thế giới.
Dự báo, tình hình việc làm của công nhân, người lao động ở một số doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng đến hết quý I/2023. Những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề giảm đơn hàng là chế biến gỗ, dệt may, da giày. Ngoài ra cũng có một số ít doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch...
Thời điểm này các năm trước, nhiều doanh nghiệp dệt may liên tục phải tăng ca sản xuất, tuyển dụng thêm lao động mới đáp ứng kịp các đơn hàng ký kết. Song năm nay, đa phần các doanh nghiệp mới ký kết được đơn hàng đủ sản xuất từ 50-60% công suất giai đoạn cuối năm. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khan đơn hàng và bị ép giá.
Kinh tế suy giảm khiến người dân phải đối mặt với những khó khăn về tài chính và phải xem xét lại các vấn đề về tiêu dùng. Trên cơ sở đó, kinh tế chia sẻ đã ra đời và phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình mới mẻ. Trên thị trường, các hình thức việc làm mới dần xuất hiện, như kinh tế chia sẻ, kinh tế tiếp cận, kinh tế theo yêu cầu, kinh tế hợp tác, kinh tế việc làm tự do... Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 bùng nổ, khiến “làn sóng” người lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ khu vực chính thức sang phi chính thức, tham gia vào hệ thống cung ứng dịch vụ từ xa trên web và các ứng dụng trực tuyến.
Thực tế hiện nay, kinh tế chia sẻ đang khẳng định tính ưu việt về tiết kiệm tài nguyên và nguồn lực đồng thời giảm thiểu chi phí giao dịch trong hoạt động kinh tế, góp phần tăng tính hiệu quả và minh bạch của nền kinh tế
Mùa xuân đem đến cho con người sự gần gũi với thiên nhiên. Hy vọng, những khó khăn thách thức này sẽ sớm vượt qua. Đây cũng như câu chuyện xuất khẩu thủy sản năm 2022, lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD để đạt hơn 11 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 đã phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19. Bốn thị trường (EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam; trong đó, lần đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 2 tỷ USD. Vương quốc Anh trở thành thị trường đứng thứ 7 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam...
Có thể thấy rằng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào tất cả thị trường đều tăng. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy trong thời điểm khó khăn, doanh nghiệp thủy sản vẫn tìm thấy được cơ hội, vượt qua được thách thức.
Đạt được kết quả này, là nhờ yếu tố tài chính của các thị trường và giá tác động lên doanh số xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin từ phía thị trường và đáp ứng đúng mức, đúng thời điểm.
Tình hình ngành thủy sản năm 2023 dự báo có nhiều khó khăn, thách thức do phụ thuộc vào tình hình thế giới, vì thị trường Trung Quốc chưa thể mở cửa sớm được trong cuối năm nay. Song song đó, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản bị hoãn đến cuối quý I/2023. Vấn đề là doanh nghiệp phải tận dụng tốt khoảng thời gian này, để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động sản xuất, củng cố lại vấn đề tài chính, chi phí sản xuất một cách tối ưu và đồng thời là có thể là nâng cao chất lượng sản phẩm để phục hồi trong giai đoạn sắp tới.
Sự phục hồi như đông tàn và xuân đến cùng cái Tết xum vầy, Tết gắn kết yêu thương, gia đình hạnh phúc. Đó cũng là thông điệp của mùa xuân gửi tới muôn nhà.