Tranh chấp về quyền giữ hàng hoá
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:37, 15/01/2023
Tóm tắt sự việc
Ngày 03/04/2019, Nguyên đơn ký hợp đồng với Bị đơn cho thuê định hạn một chuyến tàu biển (“Tàu”) để vận chuyển 26.400 tấn than từ cảng Balikpapan, Indonesia đến cảng Kemaman, Malaysia (“Hợp đồng”). Tàu đến Balikpapan ngày 06/04/2019 để bốc hàng và rời cảng ngày 13/04/2019 với đầy đủ giấy tờ hàng hóa hợp lệ thể hiện than có nguồn gốc từ Indonesia. Tuy vậy, ngày 18/04/2019, đại lý của Tàu thông báo là hàng bị nghi ngờ có nguồn gốc liên quan đến Triều Tiên do Ban chuyên gia về cấm vận Triều Tiên của Liên Hợp Quốc phát hiện và cảnh báo chính quyền Malaysia nên Tàu không được vào cảng Kemaman để dỡ hàng.
Sau sự cố trên đây, Chủ hàng (Shipper) thừa nhận đã cố tình che dấu, lấy hàng từ tàu “Wise Honest” quốc tịch Triều Tiên, nguồn gốc hàng không phải của Indonesia, chuyển tải qua xà lan rồi xếp lên Tàu. Do Bị đơn không thể thu xếp được cảng dỡ hàng nào khác, Nguyên đơn đã yêu cầu Chủ hàng/Người thuê tàu đưa hàng trả lại cảng bốc Balikpapan nhưng họ thông báo đã thu xếp xong việc dỡ hàng tại Jakarta nên ngày 24/05/2019 Nguyên đơn cho Tàu chạy đến Jakarta. Tuy vậy, ngày 26/05/2019, khi Tàu sắp đến Jakarta thì Bộ Ngoại giao Indonesia yêu cầu cảng không cho Tàu vào cảng vì có cảnh báo của Liên hợp quốc về than có liên quan đến nguồn gốc Triều Tiên. Do đó, Tàu phải neo chờ cách Jakarta khoảng 150 hải lý. Vì không có nước nào cho phép Tàu vào dỡ hàng, Nguyên đơn và Bị đơn buộc phải đưa Tàu về Việt Nam. Tàu đến và thả neo tại vùng nước ngoài cảng Vũng Tàu lúc 13h45 ngày 05/06/2019.
Vào hồi 19h30 ngày 07/06/2019, Hải đội 3 (hải quan) lên Tàu kiểm tra sau khi có thông tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội về nghi ngờ nguồn gốc than xếp trên Tàu, đã yêu cầu Tàu vào neo trong khu vực Vũng Tàu. Nguyên đơn đã nhiều lần mời Chủ hàng đến Hải đội 3 làm rõ về lô hàng nhưng họ không phản hồi. Ngày 30/10/2019, Hải đội 3 yêu cầu Tàu dỡ toàn bộ hàng lên kho bãi ngoại quan để chờ xử lý.
Ý kiến của các bên
Tàu dỡ xong hàng lúc 02h30 ngày 15/11/2019. Ngày 31/01/2020, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 163/QĐ- XPVPHC và ngày 13/02/2020, Hải đội 3 đã lập biên bản tịch thu tang vật là 26.253,25 tấn than chở trên Tàu. Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn trả 1.698.461,45 USD và 1.528.046.010 VND (tiền thuê tàu và các chi phí phát sinh) nhưng họ không trả, do đó, Nguyên đơn đã kiện tại Trọng tài và để đảm bảo thu được số tiền trên Nguyên đơn yêu cầu Hội đồng Trọng tài tuyên Nguyên đơn có quyền giữ hàng hóa là 26.400 tấn than. Bị đơn không có phản hồi đối với yêu cầu của Nguyên đơn.
Phán quyết trọng tài
Về số tiền 1.698.461,45 USD và 1.528.046.010 VND mà Nguyên đơn yêu cầu, xét thấy Bị đơn thuê Tàu để “chở hàng hợp pháp” như quy định tại Hợp đồng nhưng đã cho chở hàng bị nghi có nguồn gốc từ Triều Tiên, gây thiệt hại cho Nguyên đơn; chưa trả đủ tiền thuê tàu và các chi phí; Nguyên đơn đã áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất. Vì vậy, theo Hợp đồng, Phụ lục Hợp đồng, chứng thư giám định khi giao tàu; tiền dầu, trả tiền thuê tàu..., quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 (“BLHH”) về trả tiền thuê tàu, Điều 302, Điều 305 Luật Thương mại 2005 về bồi thường thiệt hại, về áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất; Hội đồng Trọng tài có cơ sở để buộc Bị đơn phải trả đầy đủ tiền thuê tàu, các chi phí theo Hợp đồng, và bồi thường thiệt hại cho Nguyên đơn như sau:
Đối với số tiền 1.698.461,45 USD bao gồm tiền thuê tàu từ ngày giao tàu 03/04/2019 đến thời gian trả tàu ngày 22/04/2019 là 97.586,67 USD, trừ 3,75% hoa hồng, còn lại là 93.927,17 USD, căn cứ các Điều 10, 11 của Hợp đồng về tiền thuê tàu, khoản 1 Điều 227 của BLHH về trả tiền thuê tàu, Hội đồng Trọng tài chấp nhận số tiền này. Về mức tiền phạt ngày tàu, Nguyên đơn đã sửa thành “tiền thuê tàu” là 1.480.108,68 USD, Hội đồng Trọng tài cho rằng thực chất đây cũng là tiền thuê tàu do Bị đơn chưa thể trả tàu cho đến tận ngày 05/12/2019, được quy định tại Điều 215, khoản 3 Điều 223 của BLHH về định nghĩa hợp đồng thuê tàu định hạn và nghĩa vụ trả tàu. Sau khi trừ 3,75% hoa hồng, còn lại là 1.424.604,61 USD được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Tiền thông tin liên lạc là 9.859,03 USD; tiền nhiên liệu IFO lúc giao tàu 183.531,29 USD và MDO 29.931,40 USD; Nguyên đơn cấp nhiên liệu 239.043,73 USD; tiền vệ sinh hầm hàng 3.000 USD; chi phí chuyển hướng tàu 10.000 USD, và các số tiền Nguyên đơn phải trả về nhiên liệu lúc trả tàu (37.516,89 USD và 26.698,06 USD); số tiền Bị đơn đã trả Nguyên đơn (74.700,00 USD, 102.020,81 USD và 50.000 USD)... đều có chứng từ, xác nhận phù hợp;
Bị đơn đã được thông báo về những số tiền, chi phí này nhưng không có ý kiến hoặc phản đối, vì vậy, Hội đồng Trọng tài chấp nhận tổng số tiền 1.698.461,45 USD.
Đối với số tiền 1.528.046.010 VND bao gồm các chi phí như đi lại, khách sạn... gặp Người thuê tàu/Chủ hàng 53.867.238 VND; làm việc với Hải đội 3 19.411.364 VND... đều có chứng từ/xác nhận phù hợp. Đây là những thiệt hại phát sinh trực tiếp, vì vậy, số tiền này cũng được Hội đồng Trọng tài chấp nhận.
Về yêu cầu “... tuyên Nguyên đơn có quyền giữ hàng hóa là 26.400 tấn than”, Hội đồng Trọng tài nhận thấy 26.253,25 tấn than (số lượng giảm sau khi giám định tại Việt Nam) chở trên Tàu đã bị tịch thu theo Biên bản tịch thu ngày 13/02/2020 của Hải đội 3 (thực hiện Quyết định xử phạt số 163 nêu trên của Tổng cục Hải quan). Vì vậy, Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền xem xét việc giữ hàng hóa do việc tịch thu hàng hóa đã thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.
Kết luận: Hội đồng Trọng tài (i) chấp nhận một phần yêu cầu của Nguyên đơn, buộc Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn số tiền là 1.698.461,45 USD và 1.528.046.010 VND, và (ii) không chấp nhận yêu cầu giữ hàng hóa của Nguyên đơn.