Tản mạn "Sóng"

Văn hóa - Ngày đăng : 10:18, 24/01/2023

“Sóng” – thông qua loại hình nghệ thuật nhạc kịch đương đại đậm chất broadway phương Tây, con người, cuộc đời và nghệ thuật của một người phụ nữ tài hoa, đầy khát vọng yêu, sống, cống hiến... đã được phục dựng một cách khá thành công và sáng tạo trong thể hình – sắc màu mới của nhạc kịch.

Thời gian gần đây tại Việt Nam, công chúng – người yêu thích nghệ thuật được ghi nhận là đã có sự chuyển biến tích cực, quan tâm yêu thích loại hình nghệ thuật nhạc kịch hiện đại ngày càng nhiều. Những vở nhạc kịch theo phong cách Broadway với nội dung thuần Việt, có sức hút, gần gũi với đời sống hiện đại, âm nhạc và nội dung dễ hiểu, mang tính giải trí cao... đã xuất hiện đều đặn hơn.

screenshot_1671863554.jpg

Một cảnh trong vở “Sóng”, Ảnh do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện

Theo chúng tôi, đây là vở nhạc kịch được chia làm hai phần. Phần đầu vở diễn lấy bối cảnh, hình ảnh cô diễn viên múa xinh đẹp thích làm thơ với mối tình trong sáng cùng chàng nhạc công Trọng Khoa. Hai người kết hôn và có với nhau một cậu con trai. Cuộc sống khó khăn và những mâu thuẫn, xung đột gia đình trong cuộc hôn nhân đầu tiên đã khiến cho hai người phải chia tay nhau.

Ở phần hai của vở diễn, Xuân Quỳnh kết bạn đời, bạn thơ cùng Đăng Dương - một nhà thơ, một nhà viết kịch nổi tiếng,... Hình tượng nhân vật trong vở chính là hình ảnh nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Cuộc sống của hai người trải qua nhiều khó khăn vất vả, với bao thăng trầm trong một bối cảnh lịch sử và xã hội khá đặc biệt, nhưng họ rất hạnh phúc và ấm áp cùng ba đứa con trong một ngôi nhà chật hẹp.

Khi Đăng Dương gặt hái được nhiều thành công trong nghề, trong nghệ thuật với những chuyến đi công tác xa nhà thì cũng là lúc bệnh tim của Xuân Quỳnh tái phát. Đó cũng là lúc cô bắt đầu tự vấn về cuộc đời, ước mơ và tình yêu đích thực với không ít những giằng kéo nội tâm trong chính nhân vật nữ sĩ này.

screenshot_1671863571.jpg

Các nhân vật trong vai diễn “Sóng”

Gần đây nhất là vở nhạc kịch “Sóng” - lấy nguồn cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh với êkip thực hiện: Đạo diễn nhạc kịch: Nguyễn Triều Dương; Đạo diễn sân khấu: Đào Duy Anh; Biên kịch: Kim Thùy;Đạo diễn sân khấu: Đào Duy Anh; Biên kịch: Kim Thùy; Tổng đạo diễn: NSUT Cao Ngọc Ánh, dàn dựng bởi Nhà hát Tuổi trẻ... Và “Sóng” đã được công diễn tại hai trung tâm Văn hóa – Kinh tế lớn của đất nước là Thủđô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Và với “Sóng” – thông qua loại hình nghệ thuật nhạc kịch đương đại đậm chất broadway phương Tây, con người, cuộc đời và nghệ thuật của một người phụ nữ tài hoa, đầy khát vọng yêu, sống, cống hiến... đã được phục dựng một cách khá thành công và sáng tạo trong thể hình – sắc màu mới của nhạc kịch. Có lẽ những người chủ trương muốn truyền đi thông điệp mang tính thời đại về vẻ đẹp của một nhân cách sống: Lòng quả cảm, sự dấn thân, đức hi sinh,... để biến ước mơ của mình thành hiện thực, trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Rất thú vị với “Sóng” là tất cả phần lời ở các ca khúc trong vở diễn đều được lấy từ những bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh như: Sóng, Con yêu mẹ, Tự hát, Mắt của trời xanh, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Nhà chật... Và trong đó Thuyền và biển được sử dụng như một sợi chỉ đỏ đi xuyên suốt vở nhạc kịch, phù hợp với nội dung và các sắc độ trong không gian nghệ thuật, bối cảnh, tâm lý các nhân vật và sự thành công của vở là ít nhiều đã chạm đến ngưỡng tâm lý của người xem... lòng trắc ẩn.

Tôi đến với đêm nhạc kịch bởi tôi say mê những vần thơ tinh tế có chiều sâu nội tâm, chuyên chở trong đó khát vọng sống, những khát khao tình yêu ẩn sâu trong những vần thơ trữ tình và nồng thắm của bà. Có thể nói, thơ ca và hình ảnh của nữ sĩ Xuân Quỳnh đã được lưu giữ, khắc ghi trong tâm tưởng của bao người yêu thơ hiện đại. “Sóng” đã gây được tiếng vang với lối kể chuyện giản dị, đời thực của nhân vật kết hợp với âm nhạc, diễn xuất và vũ đạo... Các nhân vật trong vở đã diễn đạt và đưa được người xem đi qua nhiều cung bật cảm xúc.

screenshot_1671863580.jpg

Tuy vậy, theo tôi nhiều chỗ, đoạn trong vở vẫn còn bị “hội chứng” rời rạc, chưa làm tốt ở khâu khắc họa chân dung, tính cách nhân vật (đây là yếu tố, thế mạnh của nhạc kịch). Vở diễn cũng chưa cho thấy rằng, chính những biến cố, những thăng trầm, những gai góc từ những “cơn sóng cuộc đời” đã hun đắp, vun bồi tạo nên một nữ sĩ Xuân Quỳnh với những vần thơ sâu sắc và đẹp đến diệu vợi. Ngược lại, qua vở diễn khán giả có cảm giác như nhân vật chỉ là một người phụ nữ với công việc viết lách bình thường. Người xem cũng dễ nhận ra rằng, các ca khúc sử dụng trong vở quá nhiều và ôm đồm (nhất là phần hai của vở diễn), nhưng âm nhạc trong vở không đủ sức dẫn dắt cảm xúc của người xem, khiến khán giả có cảm giác lê thê ở nhiều cảnh. Về trang phục, đạo cụ, bố cục cảnh vẫn chưa phục dựng rõ nét về cuộc sống, bối cảnh của một thời bao cấp..

Công tâm mà nói, vở diễn cũng chỉ mới “sáng đèn sân khấu” được vài đêm diễn tại Hà Nội và TP.HCM nên chưa thể phổ cập đến công chúng như mong đợi. Đồng thời, theo nhận thức của chúng tôi câu chuyện làm nhạc kịch thuần Việt cũng sẽ không dễ dàng, đòi hỏi nhiều nỗ lực và sức sáng tạo lớn cho một hướng đi mới. 

Vấn đề có lẽ còn liên quan đến các khâu trong “chuỗi cung ứng”: đào tạo, sáng tác, biểu diễn và sự đầu tư chuẩn bị dài hơi đối với loại hình nhạc kịch hiện đại này. Trong đó, đào tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu cho sự phát triển bền vững của một nền âm nhạc mang tính chuyên nghiệp. Vì, đào tạo có phát triển thì chúng ta mới có được những người sáng tác, các nghệ sĩ biểu diễn, các nhà nghiên cứu phê bình có trình độ cao, xứng tầm.

screenshot_1671863592.jpg

Vậy câu hỏi đặt ra, làm thế nào để xây dựng nên những vở nhạc kịch thuần Việt đặc sắc vừa mang tính hiện đại, vừa tiếp thu được cái hay, cái đẹp về văn hóa nghệ thuật của tinh hoa thế giới? Và làm cách nào để vừa kế thừa và phát triển được những giá trị truyền thống, vốn quý của dân tộc bằng ngôn ngữ âm nhạc khi chúng ta vẫn chưa có được đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, biên đạo, đạo diễn, người sáng tác... được đào tạo một cách chính thống, bài bản cho lĩnh vực này?... Câu trả lời vẫn còn “lơ lửng” đang trôi về phía các cơ quan quản lý và các cơ sở đào tạo chuyên ngành.

Nếu xem văn hóa – nghệ thuật là hồn cốt, nội lực của quốc gia thì việc định hình và phát huy các giá trị ấy trong nguồn mạch chung của nhân loại, làm thăng hoa các vẻ đẹp, chuẩn mực truyền thống dân tộc cũng sẽ rất quan trọng.

Phạm Quốc Anh