Thực hiện mục tiêu logistics xanh cần kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp

Hạ tầng - Ngày đăng : 11:39, 16/01/2023

Logistics xanh là khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đang là xu thế hiện hành của nhiều quốc gia trên thế giới. Có nhiều định nghĩa về logistics xanh, nhưng nhìn chung logistics xanh được hiểu là hành động làm giảm thiểu các tác động môi trường trong hoạt động logistics như giảm tiêu thụ năng lượng, giảm chất thải, sử dụng vật liệu tái chế... nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Về lâu dài logistics xanh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên để thực hiện mục tiêu xanh hoá hoạt động logistics cần có một lộ trình lâu dài, cần có sự chuyển đổi phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn.

container-ship-loading-unloading-deep-sea-port-compressed.jpg

Đâu là những trở ngại khi thực hiện mục tiêu logistics xanh?

Một trong những trở ngại được xem là lớn nhất trong việc thực hiện mục tiêu logistics xanh chính là vấn đề hạ tầng cơ sở vật chất của ngành logistics Việt Nam hiện tại tương đối lạc hậu so với thế giới. Hệ thống đường bộ xuống cấp, hệ thống đường cao tốc chưa đồng bộ, thiếu kết nối dẫn đến tốc độ vận chuyển, thời gian vận chuyển hàng hoá kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm tiếng ồn, khí thải... Với hàng triệu xe tải, xe đầu kéo đang sử dụng động cơ xăng hoặc diesel trong khi đó chủng loại xe sử dụng khí LPG hoặc dùng điện chiếm ti trọng rất nhỏ nên cần có thời gian và nguồn lực tài chính để chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường hơn.

terraced-rice-field-compressed.jpg

 Hệ thống đường sắt lạc hậu hàng trăm năm đang sử dụng các đầu kéo động cơ diessel lạc hậu, đường sắt khổ nhỏ, tốc độ chạy tàu hạn chế là những lực cản không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu logistics xanh ở Việt Nam. Hiện chỉ có dự án phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam trong tương lai và một số dự án đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên... sẽ sử dụng năng lượng điện, còn lại phần lớn là phương tiện sử dụng dầu diessel. Tương tự, đối với ngành vận tải biển và vận tải thuỷ nội địa: đội tàu biển, sà lan, đầu kéo già nua là tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng, hiệu quả khai thác không cao.

Đối với lĩnh vực kho bãi, đóng gói những năm gần đây đã có sự phát triển nhanh chóng hệ thống kho bãi hiện đại, giảm tiêu thụ năng lượng truyền thống, sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn. Ngành đóng gói bao bì đã ưu tiên sử dụng các vật liệu có thể sử dụng lại hoặc tái chế như gỗ, giấy. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nhà kho, trung tâm phân phối, ICD và đặc biệt là hệ thống kho bãi cảng vẫn còn lạc hậu. Phần lớn các kho bãi vẫn sử dụng các phương tiện bốc xếp, lưu kho, lưu bãi lạc hậu, ít được bảo dưỡng sửa chữa, đại tu nên khó thực hiện được mục tiêu logistics xanh trong tương lai gần.

Bàn về logistics xanh không thể không nói đến một tác nhân không nhỏ đó là quản lý, vận hành chuỗi cung ứng. Việc quản lý chuỗi cung ứng không tốt dẫn đến số lượng phương tiện sử dụng bị lãng phí, phương tiện chạy rỗng tăng lên, tác động tiêu cực đến môi trường sẽ nhiều hơn.

Cuối cùng, nhân tố tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực thi mục tiêu logistics xanh. Để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, hệ thống kho tàng bến bãi hoặc thay thế các phương tiện vận tải lạc hậu, chuyển từ sử dụng năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch như LPG, điện, năng lượng mặt trời cần nguồn lực tài chính lên đến hàng trăm tỷ đô la cho riêng từng lĩnh vực nên cần một lộ trình dài hơi.

Cùng hướng đến mục tiêu giảm chi phí và phát triển bền vững
Trước hết cần nhận thức rõ rằng, thực hiện mục tiêu logistics xanh về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, tăng lợi nhuận. Thực tế chứng minh rằng, chi phí bỏ ra ban đầu để sử dụng năng lượng sạch, phương tiện, thiết bị hiện đại trong dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, tăng công suất vận hành, tăng thời gian hoạt động liên tục của phương tiện thiết bị và dần dần sẽ tăng doanh thu, giảm phí sản xuất, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên để thực hiện thành công mục tiêu logistics xanh hoá ngành logistics Việt Nam cần sự kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp.

ideal-websites-magazine-layouts-compressed.jpg

Về phía nhà nước, cần ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, hài hoà giữa các vùng miền, trước mắt trong vòng 5-10 năm tới ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc và đường sắt Bắc - Nam. Hạ tầng giao thông tốt sẽ giúp tăng tốc độ lưu thông hàng hoá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện logistics xanh: đầu tư đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch: LPG, điện, năng lượng tái tạo... Đặc biệt chú trọng đến việc giảm khí thải cho hàng triệu xe đầu kéo và đội ngũ tàu biển già nua. Tất nhiên chi phí dự kiến sẽ rất lớn nên cần có lộ trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để thay thế dần các phương tiện lạc hậu, song song với việc đầu tư trang thiết bị để nâng cấp dần các phương tiện cũ nhằm giảm bớt lượng khí thải.

Về phía doanh nghiệp, cần nhận thức rõ logistics xanh ngoài lợi ích dài hạn là giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp còn là trách nhiệm xã hội đối với khách hàng và môi trường. Khách hàng về lâu dài sẽ gây áp lực buộc doanh nghiệp phải thay đổi theo xu thế logistics xanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của họ.

Cụ thể các doanh nghiệp vận tải đường bộ cần quản lý vận hành tốt phương tiện, huy động số lượng phương tiện phù hợp nhằm giảm số chuyến xe, giảm chiều chạy rỗng, bảo dưỡng xe tốt hơn để giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, dẫn đến giảm phát thải. Ưu tiên đầu tư phương tiện mới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Tương tự, các doanh nghiệp vận tải biển cũng cần có biện pháp cải tiến phương tiện, sử dụng nhiên liệu ít lưu huỳnh hơn để giảm phát thải, thay thế dần các đội tàu cũ chạy DO bằng các loại tàu mới chạy bằng LPG hoặc điện.

hydrogen-gas-transportation-concept-truck-with-gas-tank-trailer-fresh-nature-with-solar-panel-wind-turbine-background-3d-rendering-compressed.jpg

Đối với các doanh nghiệp kho bãi và đóng gói cần có chiến lược lâu dài sử dụng vật liệu xanh như: gỗ, đá, gạch không nung, giấy, xốp, tre... trong xây dựng nhà xưởng, đóng gói sản phẩm. Ưu tiên sử dụng thiết bị nâng, cẩu, máy đóng gói sử dụng điện hoặc LPG. Việc sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để lợp mái nhà xưởng, kho bãi hoặc các loại đèn chiếu sáng ít tiêu hao năng lượng cũng là một giải pháp tốt để thực hiện mục tiêu xanh hoá ngành logistics.

Cuối cùng các doanh nghiệp logistics cần áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001:2015 và tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 14001:2015 về quản lý, bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo mục tiêu logistics xanh bền vững.



TS. Võ Duy Nghi