Thuỷ sản Việt Nam và chìa khoá vàng logistics

Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:17, 25/01/2023

Với quy mô ngày càng mở rộng, ngành thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Thương hiệu “Thủy sản Việt Nam” không chỉ được khẳng định trong nước mà ngày càng hấp dẫn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dự đoán sẽ cán mốc 11 tỷ USD.

Hiện diện và mở rộng thị trường

Đáng chú ý, con tôm đang “làm mưa làm gió”, xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỷ USD, tăng 30%; xuất khẩu cá tra đã vượt 2 tỷ USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021 và có khả năng vượt 2,5 tỷ USD cuối năm nay; cá ngừ lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD... Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng ở mức hai con số, từ 18 - 77%.

hinh-logo-mo1082-compressed.jpg

“Thủy sản Việt Nam” hiện nay được tiêu thụ ở hơn 160 thị trường và ngày càng được mở rộng, có chỗ đứng quan trọng ở những thị trường lớn. Bốn thị trường (EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Năm 2022, lần đầu tiên “Thủy sản Việt Nam” vào thị trường Mỹ đạt 2 tỷ USD. Vương quốc Anh trở thành thị trường đứng thứ 7 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam...

Có thể nói xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào tất cả thị trường đều tăng, đây là tín hiệu khả quan cho thấy trong thời điểm khó khăn, doanh nghiệp thủy sản vẫn tìm được cơ hội, vượt qua được thách thức.

Đạt được kết quả này, theo các chuyên gia do yếu tố tài chính của các thị trường và giá tác động lên doanh số xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin từ phía thị trường và đáp ứng đúng mức, đúng thời điểm.

Đầu năm 2022, sau biến động địa chính trị giữa Nga và Ucraina, chuỗi cung ứng toàn cầu thêm một “cái tát” trời giáng sau dịch bệnh; tuy nhiên, các doanh nghiệp không lùi, vẫn tiếp tục nuôi tôm, nuôi cá, sản xuất để chờ đợi. Kết quả cho thấy điều đó là đúng đắn. Ngoài ra, nhu cầu về sản phẩm thủy sản của một số thị trường sau dịch tăng lên nhanh chóng, mở ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam.

Năm 2023, thị trường được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức do phụ thuộc vào tình hình địa chính trị thế giới, Trung Quốc chưa thể mở cửa sớm và kiên trì với chính sách “Zero Covid”. Tuy nhiên, thị trường không thể xuống mãi. Nhu cầu “ăn” từ bình dân đến cao cấp luôn phát triển theo quy luật của chất lượng sống.

salmon-fish-farm-with-floating-cages-greece-aerial-view-compressed.jpg

Do vậy, các chuyên gia trong ngành thủy sản dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức trên 10 tỷ USD. Vấn đề là doanh nghiệp phải tận dụng tốt khoảng thời gian này để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động sản xuất, củng cố lại vấn đề tài chính, chi phí sản xuất một cách tối ưu và đồng thời là có thể là nâng cao chất lượng sản phẩm để phục hồi trong giai đoạn sắp tới.

"Chìa khoá vàng" logistics

Việt Nam nằm ở vị trí hết sức thuận lợi để phát triển thủy sản, từ nước ngọt (sông ngòi, lưu vực sông, đầm, hồ...) đến nghề cá trên biển. Tất nhiên để xuất khẩu được thủy sản, “chen” được vào thị trường quốc tế và mở rộng thị phần, không hề đơn giản.

corner-oyster-feeding-farm-float-fishing-village-long-son-commune-ba-ria-vung-tau-province-vietnam-people-living-doing-feed-fish-industry-floating-village-compressed.jpg

“Thủy sản Việt Nam” đang đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù EU và Hoa Kỳ là các thị trường chiếm tỉ trọng lớn với giá tốt cho xuất khẩu, nhưng sức tiêu thụ các khu vực này đang bị tác động bởi “bão lạm phát”. Ngoài ra, chi phí logistics quá cao khiến cho thủy sản từ Việt Nam vào Hoa Kỳ, EU đang bị cạnh tranh gay gắt về giá cả so với Ecuador và Ấn Độ.

Xin đơn cử “con tôm”: Một container 40 feet xuất đi Hoa Kỳ đang gánh 20.000 USD chi phí logistics, trong khi từ Ecuador sang Hoa Kỳ chỉ khoảng 5.000 USD. Như vậy, mỗi container 15 tấn họ giảm được 15.000 USD chi phí giá thành thì giá tôm của họ đã rẻ hơn chúng ta 1 USD/kg. Đường xa thì chi phí lớn.

Con cá, con tôm... Việt Nam đang chịu nhiều bất hợp lý từ vĩ mô đến vi mô. Về vi mô, ai cũng dễ nhận ra ở chi phí vận chuyển. Ví dụ, thủy sản nước ngọt khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu; tuy nhiên “con cá con tôm” xuất khẩu vẫn phải “chạy ngược” bằng đường bộ lên cảng biển khu vực TP.Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu. Hệ thống kho lạnh ở TP.Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long vừa không đáp ứng yêu cầu, vừa phân bố không đều đang là những nguyên nhân, trở thành “tội đồ” đẩy chi phí logistics lên.

Tất nhiên, trong chuỗi cung ứng, không thể không nói đến quá trình gói hàng và vận chuyển để tránh gây tổn thất đáng tiếc. Ngoài ra, việc lựa chọn container cũng quan trọng không kém do thuỷ sản thường là hàng đông lạnh cần nhiệt độ bảo quản thích hợp. Việc lựa chọn một đối tác logistics uy tín và có kinh nghiệm trong việc vận chuyển mặt hàng này là điều mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không thể xem nhẹ. Đó là yêu cầu bắt buộc.

lang-chai-cai-beo-compressed.jpg

Trên “bản đồ” xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang tự hào là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy - 2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Với kết quả của năm 2022, ước tính “Thuỷ sản Việt Nam” sẽ chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới.

“Đến năm 2030, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế”, (Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Mục tiêu này có thực hiện được hay không, phụ thuộc vào nhiều chính sách vĩ mô, năng lực của các nhà xuất khẩu...; tất cả đều nằm ở bài toán “chìa khóa Logistics”.

Hành Thuỷ